ĐỌC LẠI BÀI BÁO

Just another WordPress.com site

Cũng là bác sĩ, tôi không biết sẽ ‘giữ mình’ được bao lâu nữa?

leave a comment »

Cũng là bác sĩ, tôi không biết sẽ ‘giữ mình’ được bao lâu nữa?

Tôi thật sự yêu công việc, chính vì yêu công việc nên tôi mới tiếp tục làm việc với đồng lương như thế đến lúc này. Nhưng có những lúc tôi thực sự đau lòng khi nghe mẹ nói: “Học chừng ấy năm, ba chục tuổi vẫn về xin tiền mẹ”.

Thời gian qua mọi người xôn xao bàn tán về lương của bác sĩ, tôi đọc được vài bài báo, thấy đúng có nhưng sai cũng có. Tôi bỏ ngoài tai để tiếp tục làm việc, hôm nay bạn Bửu chia sẻ vấn đề tiền lương thẳng thắn, tôi xin phép được góp ý thêm.

Tôi cũng là bác sĩ trẻ, xuất thân từ miền Tây. Con đường học tập của tôi tương đối thuận lợi. Tôi được học cấp 3 ở trường chuyên của Tỉnh, được tuyển thẳng vào trường Đại Học Y Dược, rồi ra trường đại học tôi thi đỗ vào kỳ thi tuyển bác sĩ Nội Trú như mong đợi, sau khi tốt nghiệp bác sĩ Nội Trú tôi ký hợp đồng với Trường đại học Y Dược làm giảng viên của trường cho đến ngày nay.

Đối với tôi, tiền lương là một gánh nặng nhưng tôi vẫn không can đảm rời bỏ môi trường làm việc này, có lẽ vì tôi yêu công việc. Tôi không may mắn như bác sĩ Bửu, tôi tốt nghiệp ra trường năm 2005, do phải học tiếp bác sĩ Nội Trú nên tôi không có lương trong 3 năm học nội trú này. Mỗi tháng học nội trú tôi được nhà trường cho học bổng là 240 ngàn, về phía bệnh viện nơi tôi học hỗ trợ từ 480 ngàn đến 560 ngàn tùy thu nhập của bệnh viện. Ngoài số tiền cố định này tôi có thêm được tiền trực đêm bệnh viện khoảng 400 ngàn/ tháng (cho mỗi tháng trực, mỗi tuần 2 đêm trực), tiền phụ mổ trung bình 500 ngàn/ tháng. Nếu có lễ, tết tôi được tiền thưởng bằng 1/4 số tiền thưởng của nhân viên trong bệnh viện. Đó là tất cả thu nhập trong thời gian học nội trú của tôi, tổng cộng chưa đầy 2 triệu/tháng . Tôi đã sống hơn 3 năm như thế, cho đến năm 28 tuổi, với sự hỗ trợ của gia đình trong suốt thời gian học vì số tiền như thế không đủ để ăn, chỗ trọ, chi phí học và sinh hoạt.

Rồi khi ra trường, tôi được nhận bằng chuyên khoa cấp 1 và bằng bác sĩ nội trú, tôi ký hợp đồng làm việc với trường làm giảng viên. Lương tôi cải thiện đôi chút: mỗi tháng được hệ số lương 2.67, tiền trường hỗ trợ cơm trưa 300 ngàn, về phía bệnh viện tôi được hỗ trợ 640 ngàn/ tháng cho bác sĩ nhà trường có bằng chuyên khoa 1, tiền phụ mổ 500 ngàn/tháng, tiền trực 180 – 200 ngàn/tháng (mỗi tuần trực 1 buổi). Nếu có lễ tết tôi được thưởng bằng 1/2 nhân viên bệnh viện. Tổng cộng tôi có khoảng 3,5 triệu/tháng.

Tôi mạnh dạn nêu tất cả các khoản mà tôi thu nhập được một cách chi li như thế để mọi người hiểu được khó khăn của bác sĩ trẻ chúng tôi khi làm việc trong môi trường công lập. 30 tuổi, làm việc ở thành phố này khi mà mọi thứ đều tăng giá thì số lương này có đủ hay không? Tiền trọ, tiền sinh hoạt lấy hết số lương, lương làm tháng nào xài hết tháng đó mà trong tay không có bất cứ số dư nào. Con đường mà tôi đã đi qua, xét về học tập thì hầu như sinh viên y khoa nào cũng mơ ước, nhưng nếu các bạn biết trước tiền lương như thế thì tôi nghĩ nhiều bạn sẽ ngần ngại. Các bạn cùng thời với tôi ai cũng có chút thành đạt trong sự nghiệp và cũng giúp đỡ được gia đình, còn tôi gia đình phải giúp đỡ tôi mỗi khi tôi gặp khó, khi phải đóng học phí ngoại ngữ, khi phải đóng học phí chuyển đổi sang cao học… Mỗi lần gặp mặt bạn bè tôi đều mặc cảm và thấy thoáng buồn vì thu nhập của mình.

Không giấu gì các bạn, để được lương như thế tôi phải làm việc hết thời gian của mình, cả ngày quần quật ở bệnh viện làm việc như bác sĩ thực thụ ở đó từ lúc sáng sớm đến chiều tối: khám bệnh, cho thuốc, đi mổ và phụ mổ… Tôi chịu nhiều áp lực của những thủ tục hành chánh, thủ tục bảo hiểm và nguy cơ phải kiểm điểm, bồi thường bảo hiểm nếu lỡ tay cho thuốc ngoài danh mục mà không làm đúng thủ tục. Do là giảng viên nên tôi phải tranh thủ giành thời gian hướng dẫn sinh viên thực tập, nhiều công việc không làm xuể phải làm tại nhà vào buổi tối.

Tôi thật sự yêu công việc, chính vì yêu công việc nên tôi mới tiếp tục làm việc với đồng lương như thế đến lúc này. Nhưng có những lúc tôi thực sự đau lòng khi nghe mẹ nói: “Học chừng ấy năm, ba chục tuổi vẫn về xin tiền mẹ”.

Nhiều người nói rằng: ngành Y có thiếu gì cách kiếm tiền. Đúng là vậy, làm việc tại môi trường tư là một ví dụ, nhưng xin thưa không phải ai làm cũng được như thế. Chúng tôi được học, được giáo dục để làm những điều tốt, tôi chưa từng dám lấy một phong bì nào của bệnh nhân dù có không ít cám dỗ, cũng như nhận được những lời mời mọc kiếm tiền tăng thu nhập.

Bạn ơi, có thể tại tôi dở không biết cách làm tăng thu nhập, nhưng tôi không cam lòng làm tăng thu nhập trong môi trường công lập bằng những cách lương tâm không cho phép. Tôi đã sống đúng với mức lương mà Nhà nước cho tôi, không một khoản thêm nào khác ngoài “trợ cấp” của gia đình. Tôi xin chia sẻ với bạn cảm nhận sau 12 năm học phổ thông và gần 10 năm mà nhà tôi đã lo cho tôi ăn học đại học và sau đại học. Nếu tôi không yêu nghề, là một bác sĩ trẻ trong thời điểm mọi thứ leo thang như thế này, với áp lực mội trường và xã hội xung quanh như thế này, không biết tôi còn “giữ mình” và “theo đuổi môi trường công” và “sống theo y đức” được bao lâu nữa?

Nếu có một ngày, tôi lập gia đình, tôi có con. Chắc chắn áp lực đồng tiền sẽ đè nặng lên vai, lúc đó nếu lỡ tôi đánh mất chính mình, lỗi có phải chỉ do tôi?!

Một bác sĩ ĐH Y Dược TP HCM

Lương và thuế

Bác sỹ thu nhập 3,5 triệu đồng tháng nhưng cũng chỉ tạm đủ chi tiêu cho bản thân ấy thế mà trên 4 triệu phải đóng thuế thu nhập cá nhân? Nghịch lý hay bi kịch cho những người như vị bác sỹ ĐH Y trong bài?

Chúng ta phải làm gì?

( Nguyễn Đức toàn )


Cung chia se cam nhan

Đọc những tâm sự của bác sĩ tôi thật khâm phục ý trí và nghị lực của anh, cả sự trong sáng và lương y của anh. Nhưng nếu chia sẻ về thu nhập hay đồng lương thì các anh vẫn hơn nhiều ngành khác, có những ngành chỉ vỏn vẹn đồng lương mà không thưởng, không có phụ cấp gì thêm, tuy hệ số lương cao mà tính thành tiền thu nhập vẫn không bằng các anh. ví dụ như trong bộ đội, người bạn của tôi sau 6 năm học ở HVKTQS, ra trường với mức lương 4,2 (khoảng 2.700.000 năm 2008), cứ thử tính dù được nhiều bao cấp như nhà ở, quân phục… nhưng đặc thù công việc lại phải đi xa nhà tới hàng ngàn km, thời gian có khi rảnh rỗi mà cũng không di làm thêm được gì, hơn nữa có ngành làm thêm ngoài dân sự được, cũng có nhiều ngành không làm được, anh ấy cũng phải tiếp khách, phải bạn bè, trang trải cho cuộc sống riêng bằng tất cả đồng lương đó.

Ngược lại, nhiều ngành nghề có thu nhập theo tối thấy là rất cao, như ngân hàng, ngành bưu điện, … Nếu chúng ta so sánh đồng lương cao hay thấp thì thật khó mà thấy công bằng đúng không ạ? nhưng nghề do mình chọn, việc do mình làm và lương do mình sử dụng, hơn nữa đồng lương sẽ tăng dần theo năm công tác hoặc theo những thành tích mình đạt được. nhiều người vẫn làm việc cả đời mà thu nhập không bằng chúng ta mới ra trường đâu các anh ạ. tôi mới 28 tuổi nhưng tôi thấy chúng ta hãy yêu ngành nghề mình chọn, một nghề cho chín còn hơn chín nghề mà các anh. yêu nghề, sống với nó, chi tiêu hợp lý và luôn nỗ lực hết mình các anh nhé. Rồi chúng ta sẽ thấy những cố gắng không thừa. người ta sống được, mình cũng phải sống được. Cuộc sống và tiền bạc chỉ có đầy mà không bảo giờ là đủ cả đâu, ở đâu cũng vậy, thu nhập cao hay thấp cũng có suy nghĩ đó.

( Nguyen Quyet )


Sống sao đừng để gặp ác mộng!

Gửi anh! em đã đọc xong bài viết trên của anh và phần nào hiểu được những gì anh đang nghĩ! lời đầu tiên cho em xin gửi lời thán phục đến con người vẫn giữ được lòng tin, lòng tự trọng trước nhữn cám dỗ vật chất của xã hội… 1 điều bất công, phi lý mà xã hội chúng ta đang nhận đó là làm thế nào sống cho vừa lòng mình, được lòng người mà đêm về ko gặp ác mộng! với hiện trạng thực tế thì em giám khẳng định với anh: “xã hội còn nhiều người làm 1,5t/tháng và vẫn phải nuôi gia đình” việc kiếm tiền thời buổi thị trường quả thật không khó, nhưng làm những việc mình thích mình đam mê, và đáp ứng được nhu cầu cá nhân thì quả thật không dể… Sống là chính mính, làm theo khả năng của mình, đi đến những nơi mình mong muốn!!! đó chẳng phải là hạnh phúc sao!

Mong anh hãy cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt, giữ vững được lòng tin ở chính mình, hãy làm những gì mình được học, để có được 1 tâm hồn đẹp và đêm về ko gặp ác mộng anh nhé!

( Lê Hoàng )


Chỗ của bạn không phải ở Việt nam. Bạn xứng đáng và nên ra nước ngoài!

Bạn là một công dân bình thường trong một xã hội bất bình thường nếu xét trên toàn cục thế giới. Tuy nhiên ở Việt nam bạn lại là số ít nếu không nói là ngoại lệ, vì vậy trong xã hội Việt nam bây giờ bạn là người sống bất bình thường! Nếu bạn muốn bảo lưu cách sống của mình, chỉ có cách duy nhất là bạn phai ra nước ngoài. Nước ngoài ở đây ngụ ý một nước phát triển.

Chắc chắn bạn sẽ có một cuộc sống tốt. Thay đổi xã hội Việt nam là điều bất khả.

( Nguyễn V.N. )


Mình là bác sĩ nội trú ở Hà Nội

Có thể người ngoài ngành không biết nhưng là bác sĩ nội trú là điều tất cả sinh viên Y khoa của nước Việt Nam này mơ ước. Nhưng chỉ có 1% trong số họ trở thành bác sĩ nội trú sau khi trải qua kỳ thi khắc nghiệt nhất cuộc đời. Có thể người ngoài ngành y không biết nhưng “bác sĩ nội trú” là title mà tất cả những người làm trong ngành y kính phục.

Những bác sĩ giỏi nhất của các chuyên ngành y hầu hết đều xuất thân từ bác sĩ nội trú. Một lời khuyên cho những ai muốn tìm một bác sĩ giỏi chữa bệnh cho mình, hãy tìm hiểu xem trước đây anh ta có từng là bác sĩ nội trú không… Mình cũng là bác sĩ nội trú ở Hà Nội. Mình và các bác sĩ nội trú chuyên ngành khác đồng ý với quan điểm của bạn: 30 tuổi, con đường học tập ai cũng phải mơ ước nhưng vẫn phải sống nhờ gia đình không ít thì nhiều. Tuy nhiên, hầu hết trong số bác sĩ nội trú bọn mình đều yêu nghề và sống khá trong sạch. Cố lên các bạn ạ!

( Nguyễn Ngọc Cương )


chia se

Ban noi rat dung, nhung chi con biet trong cho vao chinh sach thay doi cua nha nuoc thi nhung nguoi nhu ban moi co the cai thien cuoc song hon.

( 115 )


Thân gửi bác sĩ

Tôi rất thông cảm cho bác sĩ, thật sự mà nói rất hiếm khi tôi nghe 1 bác sĩ lại hết các khoản thu nhập của mình 1 cách chân tình như vậy. khi đọc những dòng tâm sự của bs tôi cảm động lắm vì xã hội bây giờ có mấy ai được như bs. vì trước đây cũng có 1 người bạn trai học ĐH y dược TPHCM mà cách nghĩ của anh ta lại quá khác so với bs. anh ta chỉ nghĩ đến tiền mà thôi còn ai sống chết thì kệ, chính vì thế nên tôi và anh ấy cũng ko đi chung 1 con đường. Hôm nay nghe bs nói vậy tôi thấy cảm phục lắm. Hy vọng bs sẽ dạy cho những sinh vien của mình cũng biết yêu thương và có tấm lòng như bs.

Chúc cho bs thành công trong việc và cuộc sống

( Bồ Công Anh )

 

 

http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/doi-song/2010/08/3ba1fd0a/

Written by doclaibaibao

Tháng Bảy 9, 2011 lúc 3:00 sáng

Posted in MEDICINE

Bình luận về bài viết này