ĐỌC LẠI BÀI BÁO

Just another WordPress.com site

Vụ “Nghi vấn đường dây rút ruột BHYT”: Nhiều bệnh nhân không có thực

leave a comment »

Thứ Năm, 28/05/2009, 08:27 (GMT+7)

Vụ “Nghi vấn đường dây rút ruột BHYT”: Nhiều bệnh nhân không có thực

TT – Để làm rõ nghi vấn có hay không đường dây rút ruột bảo hiểm y tế (BHYT) tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, PV Tuổi Trẻ đã tiến hành điều tra vụ việc. Qua đó phát hiện thêm nhiều tình tiết mới.

Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã thu thập được danh sách bệnh nhân (BN) được bác sĩ L. kê toa thuốc BHYT ngoại trú tại BV Chợ Rẫy trong tháng 3 và 4-2009. Danh sách gồm có các cột, mục: số thẻ BHYT, họ tên BN, ngày tháng năm đến khám bệnh, tên cơ quan, nơi giới thiệu chuyển viện đến, chẩn đoán, tổng số tiền thuốc… Từ danh sách này, chúng tôi thấy nơi giới thiệu BN chuyển viện đến khám, chữa bệnh BHYT ngoại trú tại BV Chợ Rẫy nhiều nhất là BV Q.7.

Chuyển viện không thực

Đối chiếu danh sách BN mà BV Q.7 chuyển viện đến khám bệnh ngoại trú tại BV Chợ Rẫy trong tháng 3 và 4-2009 với danh sách tên BN có trong toa thuốc mà bác sĩ L. kê toa tại BV Chợ Rẫy, chúng tôi thấy kết quả không khớp nhau. Cụ thể, danh sách BN mà bác sĩ L. kê toa thuốc ngày 20-3 có ba người là Hồ Thị Lan Hương, Trần Minh Hùng và Lê Thị Thanh Thảo. Cả ba BN này đều được chẩn đoán bị đái tháo đường type 2. Toa thuốc kê cho ba BN này có giá trị từ 4-4,2 triệu đồng/toa. Thế nhưng, theo danh sách BN BHYT được BV Q.7 chuyển đến khám bệnh ngoại trú trong ngày 20-3 không có ba BN này mà chỉ có BN Trương Thị N., bị đau nửa đầu được chuyển viện.

Danh sách mà bác sĩ L. kê toa ngày 25-3 có sáu người là Ngô Văn Hồng, Vũ Thị Nội, Phan Thị Vang, Mai Xuân Đạm, Vũ Lê Ngọc Vy, Phạm Thị Thắm. Tất cả đều bị bệnh tiểu đường, có người còn bị thêm bệnh viêm khớp. Trong sáu BN chỉ có một người được kê toa thuốc trị giá hơn 2,5 triệu đồng/toa, các toa còn lại có giá trị tiền từ 3,3-3,6 triệu đồng. Trong khi đó cùng ngày 25-3, danh sách chuyển viện của BV Q.7 không có tên sáu người này, chỉ chuyển hai BN khác bị bệnh Parkinson và bị bướu lành tuyến giáp.

Tiếp tục đối chiếu danh sách mà bác sĩ L. kê toa ngày 27-3, chúng tôi thấy có hai BN là Đặng Thị Hồng Linh bị tiểu đường, tăng huyết áp và Trần Thị Hồng Thắm bị thiếu máu được kê toa thuốc trị giá từ hơn 3,6 triệu đồng đến hơn 3,7 triệu đồng/toa.

Cùng ngày 27-3, BV Q.7 chỉ chuyển viện một BN bị bệnh lupus (ban đỏ). Danh sách BN mà bác sĩ L. kê toa ngày 30-3 có tất cả chín người: Trần Thị Phương Dung, Nguyễn Thị Nở, Trần Thị Cẩm Hằng, Lê Thị Thu Sương, Nguyễn Thị Mỹ Nương, Phạm Thị Huệ, Thi Thị Hồng Nhung, Trần Thị Hệ và Trần Thị Minh Đào.

Các BN được chẩn đoán bị suy thận mãn kèm tiểu đường, tiểu đường kèm thoái hóa khớp, tiểu đường kèm tăng huyết áp hoặc suy thận mãn kèm thoái hóa khớp. Trị giá các toa thuốc bác sĩ L. kê cho các BN dao động trong khoảng hơn 3,6-3,7 triệu đồng/toa. Cùng ngày 30-3, không có người nào có tên trong số sáu BN trên được BV Q.7 chuyển viện lên BV Chợ Rẫy.

Tương tự, danh sách BN mà bác sĩ L. kê toa trong ngày 29-4 là 11 người (cũng bị các bệnh tiểu đường, suy thận, thoái hóa khớp) nhưng danh sách BN BHYT mà BV Q.7 chuyển đến BV Chợ Rẫy cùng ngày không có tên 11 người này.

Bệnh nhân vẫn đi làm!

Ngày 27-5, chúng tôi liên hệ làm việc với Công ty TNHH công nghiệp Palace (VN) ở Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) để xác minh công nhân của công ty này có thật sự đi khám bệnh BHYT tại BV Chợ Rẫy ngày 25-3 như bác sĩ L. đã kê toa hay không.

Theo danh sách bác sĩ L. đã kê toa, ngày 25-3 có ba công nhân của Công ty TNHH công nghiệp Palace (VN) là Ngô Văn Hồng, Vũ Thị Nội và Phan Thị Vang đến BV Chợ Rẫy khám bệnh BHYT ngoại trú. Cả ba công nhân đều được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường, nơi giới thiệu chuyển viện là BV Q.7. Họ đã được bác sĩ L. kê toa thuốc trị giá 3,4-3,6 triệu đồng/toa. Chúng tôi cung cấp tên công nhân, ngày giờ đi khám bệnh ở BV Chợ Rẫy, số thẻ BHYT của họ… để công ty xác minh.

Ngay trong ngày, trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH công nghiệp Palace khẳng định cả ba công nhân này đều làm việc cả ngày 25-3 tại công ty. Vì thế, họ không thể có mặt ở BV Chợ Rẫy để khám bệnh. Hơn nữa, cả ba công nhân này đều không bị bệnh tiểu đường và từ khi có thẻ BHYT họ chưa hề đi khám bệnh lần nào. Trưởng phòng nhân sự của công ty cũng khẳng định mã thẻ BHYT của các công nhân này đúng như mã thẻ chúng tôi cung cấp. Cẩn thận hơn, công ty còn fax cho chúng tôi biên bản làm việc của phòng nhân sự với ba công nhân này. Biên bản làm việc có ý kiến của cả ba công nhân cùng xác nhận là họ làm việc cả ngày 25-3 ở công ty…

Bệnh nhân giả, mã thẻ thật?

Vì sao cả ba công nhân của Công ty TNHH công nghiệp Palace chưa bao giờ đi khám bệnh nhưng trong danh sách BN (do bác sĩ L. kê toa) mà BV Chợ Rẫy đề nghị thanh toán lại có mã thẻ BHYT đúng như mã thẻ của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cấp?

Trả lời về vấn đề này, chiều 27-5 ông Cao Văn Sang – giám đốc BHXH TP – nói rằng có hai khâu có thể biết mã thẻ BHYT và các thông tin khác của người có thẻ BHYT là nhân viên của bộ phận cấp thẻ BHYT thuộc BHXH TP và nhân viên của công ty, cơ quan, xí nghiệp… được đơn vị giao phụ trách đến BHXH TP làm thủ tục cấp, gia hạn thẻ. Vì thế, BHXH TP cũng không thể biết chính xác được vì sao mã thẻ BHYT của người chưa bao giờ đi khám bệnh lại có thể lọt ra ngoài.

Như vậy, qua xác minh vụ việc chỉ ở một BV Q.7 và một công ty đã cho thấy bác sĩ L. kê toa khám bệnh BHYT ngoại trú cho nhiều BN không có thực. Việc quỹ BHYT có bị rút ruột hay không, rút ruột ở mức độ nào chỉ có các cơ quan có trách nhiệm mới có thể làm rõ được.

LÊ THANH HÀ

 

 

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/318525/Vu-%E2%80%9CNghi-van-duong-day-rut-ruot-BHYT%E2%80%9D-Nhieu-benh-nhan-khong-co-thuc.html

Written by doclaibaibao

Tháng Bảy 18, 2011 lúc 6:29 sáng

Posted in MEDICINE

Bình luận về bài viết này