ĐỌC LẠI BÀI BÁO

Just another WordPress.com site

NHẠC SĨ HUY DU: “CUỘC VIỄN DU NGỜI SÁNG” (PHẦN I+II) Nguyễn Phú Cương

with one comment

Nhạc sĩ Huy Du: “Cuộc viễn du ngời sáng” (Phần I)

Thứ bảy , 5 / 1 / 2008, 8: 18 (GMT+7)

… “Trữ tình là đặc điểm lớn của kho tàng âm nhạc dân tộc ta. Dân ca của ông cha ta để lại có “Yêu nhau cởi áo cho nhau”, “Người ở đừng về”, đó là đặc trưng của tâm hồn người Việt. Sáng tác của chúng ta muốn đến với người nghe sâu đậm nhất không thể quên đặc điểm này! Ngay trong những hành khúc – bài hát cho người lính hành quân – cũng cần phải trữ tình, đẹp và hay…” (Huy Du)

1.”Mầm nhạc và những bài ca” (trích Hồi ký)

Chân dung tự họa của nhạc sĩ Huy Du

… Đến bây giờ tôi vẫn nhớ đến cái làng quê nơi tôi mở mắt chào đời. Đó là một làng quê nằm bên bờ sông Đuống, một nhánh của sông Hồng, quanh năm nước đục phù sa chảy vào Lục Đầu Giang rồi xuôi ra biển cả.Có lẽ vì độ dốc của dòng sông, nên lúc nào nước cũng chảy xiết, thời Pháp thuộc gọi nó là Canal de Rapide (Nhánh sông chảy mạnh).

Vì có con đường độc đạo thông lên thị xã, nên bến đò Hồ quê tôi quanh năm tấp nập người qua lại trên cái phà lớn, có ca nô kéo sang sông cập bến bờ nam.

Vào những ngày có phiên chợ Hồ ở bên bờ nam, tôi hay ra xem chiếc phà đông nghịt người cùng thúng mủng được chiếc ca nô kéo sang sông thật náo nhiệt đông vui. Cái vùng Thuận Thành bên bờ sông ấy, là nơi sản sinh ra những bức tranh Đông Hồ vẽ trên giấy dó, là vùng có chùa Bút Tháp với ngọn tháp cao cao dáng hình cây bút, tĩnh mịch và trang nghiêm giữa hàng hoa đại vàng tươi….

… Theo lời bố tôi là một nhà giáo kể lại (thân phụ ông là nhà giáo Nguyễn Huy Hoàng), năm 1928 ông được thuyên chuyển từ Thất Khê – Lạng Sơn về dạy Hà Nôi, và phải mấy năm sau ông mới đón mẹ tôi là một thôn nữ cũng các con ra sống chung ở đất Hà Thành (Nhạc sĩ Huy Du là con thứ hai trong gia đình có 10 anh em)… Nơi đầu tiên mà gia đình tôi ở là một căn nhà nhỏ ở trong ngõ Tô Tịch, cái ngõ ngắn ngủi từ đầu phố Hàng Gai sang phố Hàng Quạt .

… Bước dọc theo hồ Gươm có một nơi mà tôi nhớ mãi. Đó là cái quán rượu lớn ngay đầu phố Tràng Tiền tên là Taverne Royal (Quán rượu Hoàng Gia) cách vườn hoa Paulbert chẳng bao xa, mỗi khi đi qua thường được nghe những âm thanh réo rắt của một dàn nhạc dây vọng ra.

Không biết bao lần tôi đứng trên vỉa hè dán mắt qua tấm cửa kính lớn trong suốt để xem và nghe những âm thanh trầm bổng ấy.

Dàn nhạc thính phòng hầu hết là những nghệ sĩ người Pháp ăn mặc sang trọng, và đặc biệt trong dàn nhạc có một người Việt dáng cao cao đứng ôm cây đàn contre-basse bập bùng theo nhịp phách, làm nền cho những chiếc vĩ cầm kéo những giai điệu mê mẩn lòng người.

Dàn nhạc ấy, những chiếc đàn vĩ cầm ấy đã tạo cho tôi niềm mơ ước để đi vào con đường âm nhạc sau này. Và không ngờ người Viêt chơi đàn contre-basse ở Taverne Royal thuở ấy, lại là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Sau này tôi lại có dịp công tác cùng với anh ở hội Nhạc sĩ Việt Nam…Cho đến bây giờ tôi chẳng bao giờ quên anh, người nhạc sĩ lão thành có cuộc sống giản dị, thanh tao, thâm trầm và đôi khi dí dỏm ấy”…

Dù cha tôi là nhà giáo lương bổng cũng khá, nhưng ông vốn xuất thân từ dòng Nho học rồi chuyển sang Tây học, đã từng viết nhiều sách giáo khoa bằng tiếng Pháp, đã từng được triều đình nhà Nguyễn phong tước “Hàn lâm viện thị độc đại học sĩ” năm Kỷ Mão, và tước phẩm cao hơn đó là “Hàn lâm viện thị giảng đại học sĩ Trung thuận đại phu” năm Nhâm Ngọ”.

Nhưng cái quan niệm “xướng ca vô loài” còn tồn tại trong xã hội từ thời phong kiến, cho nên có lẽ cha tôi coi âm nhạc chỉ là thứ phù phiếm nên chẳng quan tâm đến sở thích của con mình.

Nhưng may mắn đã đến với tôi. Tôi mua được cây đàn vĩ cầm. Đó là cây đàn đã bị nứt được dán lại do Đỗ Mạnh Thường người bạn cũng lớp mua hộ chỉ có gần trăm đồng bạc Đông Dương. Đỗ Mạnh Thường đã chơi đàn vĩ cầm từ rất sớm, sau này là anh chơi trong dàn nhạc Xưởng phim Việt Nam. Tôi mua bằng tiền bố tôi cho mỗi lần bán được sách giáo khoa mà ông biên soạn.

Từ khi có cây vĩ cầm tôi mải mê tập, chẳng lúc nào rời xa cây đàn. Chẳng có tiền thuê học thầy, tôi học qua bạn bè và sách vở trong cuốn sách dạy vĩ cầm của Kreuser. Đến bây giờ tôi vẫn không quên là điệu và lời ca đầy chất lãng mạn của những bài hát lưu hành hồi đó như “Celèbre” Serenata của Toccelli:

“Viens! Le soir descend – Et l’heure est charmeuse – Viens! Toi si frileuse…”

“Hãy đến với anh, chiều đã xuống dần. Và thời gian trở nên huyền ảo – Hãy đến đi em, em mảnh mai quyến rũ…) …”

… Còn bao nhiêu bài hát của phương Tây như Sérénate của Schubert, Le beau Danube bleu của Johann Strauss v.v… cũng như những bài hát lãng mạn của nền tân nhạc Việt Nam thời đó như Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong, Thiên Thai của Văn Cao, Biệt ly của Dzoãn Mẫn v.v… đã hòa nhập vào tâm hồn tôi và cùng ảnh hưởng không ít trên con đường sáng tác của tôi sau này. Nhưng có lẽ, cái ảnh hưởng lớn nhất đến sáng tác của tôi chính là nơi quê hương đã sinh ra tôi, sinh ra những bài ca qua họ…

… Nhớ đến làn điệu của bài chèo Trấn thủ lưu đồn trong những ngày hội hè ở đình làng hòa trong tiếng hồ tiếng nhị sao mà tha thiết. Và điệu hát ca trù trong những tiếng đàn đáy, tiếng phách, tiếng hát Ả đào vẫn còn vang đâu đây…

Tôi cũng chẳng bao giờ quên được điệu hát chầu văn trong tiếng nhịp phách rộn ràng quyến rũ của cây đàn nguyệt quện trong hương khói theo nhịp quay của các cô đồng trong đền làng thuở ấy… Rồi câu ca quan họ “Con cò bay lả bay la….” của các cô thôn nữ, khăn mỏ quạ, yếm trắng, thắt lưng xanh, răng đen hạt huyền ví von trên đồng ruộng vẫn theo tôi suốt cả cuộc đời.

Tất cả, tất cả những hình ảnh và làn điệu của quê hương dưới bầu trời ấm áp của phương Đông cũng như những giai điệu của phương Tây tôi được nghe thuở thiếu thời đã hòa quyện trong máu và tâm hồn tôi. Phải chăng đó là cái “Mầm nhạc và những bài ca” trên con đường sáng tác của tôi sau này?

Ảnh cưới của nhạc sĩ Huy Du chụp năm 1958 – Tư liệu gia đình

Vợ chồng nhạc sĩ Huy Du trong Chương trình “Tình yêu HàNội” 2006 – Ảnh: NPC

2. Vài nét tiểu sử

Nhạc sĩ Huy Du, tên đầy đủ: Nguyễn Huy Du, bút danh: Huy Cầm; sinh ngày 01/12/1926 tại xã Tân Chi, Tiên Du, Bắc Ninh.

Năm 1944: Tham gia Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu. tham gia Tổng khởi nghĩa năm 1945, tham gia Đội Tuyên truyền Văn hóa chiến khu III.

Năm 1947 – 1955: Dạy nhạc ở trường Thiếu sinh quân liên khu III, Trưởng đoàn Văn công Liên khu III, Trưởng đoàn Văn công Sư đoàn 320.

1955 – 1962: Học Đại học Sáng tác, Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh – Trung Quốc.

1962 – 1979: tốt nghiệp, về nước khi là trưởng đoàn Ca múa Tổng cục chính trị, khi phụ trách Đội sáng tác của Tổng cục Chính trị.

1979 – 1983: chuyển ngành, làm bí thư Đảng Đoàn, Phó tổng thư ký hội Nhạc sĩ Việt Nam

1983 – 1989: Tổng thư ký hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III

1990 nghỉ hưu tại Hà Nội

Phó Chủ tịch hội Hữu Nghị Việt – Trung,

Đại biểu Quốc hội khóa VII và khóa VIII

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội khóa VIII.


Nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất (10-2007)- Ảnh: Nguyễn Đăng Khoa


Được Nhà nước tặng thưởng: 
Huân chương Độc lập hạng Nhất (10-2007); Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhì và Ba; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt II…

Ông đạt được nhiều giải thưởng về âm nhạc.

3. Tác phẩm

1- Ca khúc: Gần 400 ca khúc, ca khúc hợp xướng, hợp xướng có dàn nhạc đệm và không có dàn nhạc đệm (a cappella), ca khúc nghệ thuật (có phần đệm piano)

2- Nhạc thính phòng – giao hưởng.

  • “Miền Nam quê hương ta ơi”: (1959) viết cho violon và piano – sau này ông phối âm cho violon và dàn nhạc giao hưởng
  • “Kể chuyện sông Hồng”: (1960). viết cho violon, cello và piano.
  • Đường chúng ta đi (1968) – lời thơ Xuân Sách
  • Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (1971)

3- Nhạc cho điện ảnh:

  • “Bạch Long Vĩ”, “Rừng o Thắm” (đồng tác giả), “Quảng Trị giải phóng”, “Đại thắng mùa xuân” (đồng tác giả), ‘Dã tràng”, “Tiểu thư Yến ngọc”…

4- Nhạc cho kịch nói:

  • “Cố nhân”, “Hành trình đến tự do”, “Quê hương”

4. Nhạc Huy Du trong mắt bè bạn

* “Có vào chiến trường mới nghiệm sinh hết mình ảnh hưởng của Huy Du” (Nhà văn Xuân Thiều)

* “Huy Du là nhạc sĩ mà bài hát này thì nâng tâm hồn trẻ thơ ngang tầm vóc anh hùng, bài hát khác lại đưa người anh hùng bước vào trang sách các em thơ!” (Nhà báo Cao Nhị)

* “Ở ca khúc Huy Du, ta thấy những gì anh đã sống, đã rung động, đã nghĩ trong cuộc đời” (Nhà báo Hoàng Mai)

* “Một Huy Du nở rộ trong thời chống Mỹ. Một Huy Du vẫn vững vàng và sôi nổi trong hòa bình xây dựng. Từ Huy Du trẻ trung đến Huy Du già dặn, Huy Du đã và vẫn là nhạc sĩ của Quân đội, của tuổi trẻ và tình yêu, và khát vọng mùa xuân… ” (Giáo sư Trần Quốc Vượng)

* “Thật lạ lùng khi một câu “Đế quốc Mỹ xâm lược tổ quốc ta” hay “Đời chưa hết giặc là ta chưa về” đưa vào bài hát dễ bị “hô khẩu hiệu, quá nôm na” trở thành một câu hát, mang lại cho người hát, người nghe biết bao suy nghĩ thúc đảy hành động hoặc như một tiếng gọi lên đường.

Huy Du lao động nghệ thuật nghiêm túc và chân thành – đôi khi quá thận trọng- Anh đặc biệt chú trọng đến sự truyền cảm bằng âm nhạc, nên sự rung cảm đó đã nhiều lần được sự đồng cảm của người nghe.” (Nhạc sĩ Tô Hải)

* “Âm nhạc là một thứ nghề. Nhưng trong cái nghề này không phải ai cũng có sự nghiệp. Sự nghiệp ấy là vẽ chân dung mình bằng những sáng tạo nghề nghiệp. Chân dung ấy phải được treo trong thời gian.

Khi nghĩ đến những nhạc sĩ cách mạng được coi có sự nghiệp, ta nhắc đến Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Hữu Phước. Hoàng Vân… và chắc chắn ta phải nhắc đến Huy Du, người nhạc sĩ vừa bước sang tuổi 70.

18 tuổi đã làm cho người nghe biết đến bài hát “Sóng nước Ngọc tuyền”, một bài hát có lúc tưởng như quên hẳn, thế mà người bỏ xứ Bắc ra đi gần nửa thế kỷ nay vẫn còn nhớ.

Tuổi 20 đã viết “Ba Vì năm xưa”, “Sẽ về Thủ đô”, hai ca khúc thuộc loại hay nhất của nhạc tình kháng chiến. Hồn nhạc của ông luôn có tiếng du dương của cây vĩ cầm. Làm công tác tuyên truyền cách mạng mà ông không hô khẩu hiệu. Ông chỉ kể chuyện tình “Làng tôi xưa dưới chân Ba Vì…”…

Tôi biết ông từ thuở đang còn hớn hở thi vào trường nhạc hai mươi năm trước. Lần nào gặp ông, dù lúc đó ông đang là cương vị giảng viên, trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị đeo lon cấp tá hay sau này làm Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ, làm phó ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội, vẫn không cảm thấy ở ông con người quan chức, mà thật hiền hậu, khiêm nhường. Nhạc sao thì người thế, vẫn “mineur” vẫn “giai điệu vĩ cầm“…

Những sáng tác của Huy Du cùng với nhiều nhạc sĩ Cách mạng khác đã tạo được cái nền vững chắc cho âm nhạc Việt Nam hiện đại trên một căn bản dân tộc. Nền nhạc đó khác một cách đương nhiên với âm nhạc lãng mạn trước đó và sau này ở Sài Gòn (trước năm 1975) mà sự khác nhau không phải là vấn đề đề tài, hoặc đặc tính tuyên truyền như nhiều người lầm tưởng, mà là khác về thực chất âm nhạc. Tôi không phải là người đứng trong đội ngũ của ông, song tôi hiểu điều này.” (Nhạc sĩ Dương Thụ, 1987)

* “Tính giai điệu là một đặc điểm trong âm nhạc Huy Du. Nhờ giai điệu đẹp, dễ đọng lại trong lòng người, bài hát tạm rời bỏ lời ca (dù đó là lời thơ cũng rất …nên thơ) vẫn không mất đi giá trị nghệ thuật của nó . Chả thế mà không ít ca khúc của ông vẫn được diễn tấu như nhạc không lời. Có thể nói, ở ông nhạc hát tiềm ẩm chất khí nhạc, và ngược lại, nhạc đàn đầy tính ca xướng. Giai điệu nhiều chất hát đã làm cho các tác phẩm hòa tấu của ông dễ nghe dễ nhớ, dễ cảm nhận như những bài ca không lời(…) Giản dị, tự nhiên, chân thành, giàu chất hát chất thơ – đó là những gì nói gắn gọn về con người và âm nhạc Huy Du.” (Nguyễn Thị Minh Châu – nhà phê bình âm nhạc)

* “Hành khúc “Chưa hết giặc ta chưa về” là một ca khúc ngắn gọn, súc tích chặt chẽ về khúc thức, nhưng ai biết rằng nó dựa trên lời hát ru con – Huy Du đã khéo ẩn giấu – vì anh “tiêu hóa” vốn dân ca một cách nhuần nhuyễn. Chỉ cần hát chậm chầm lại, có tính ngâm ngợi nhịp tự do câu nhạc đầu tiên là ta thấy một âm hưởng rất quen thuộc.” (Nhà nghiên cứu Mỹ học Dương Viết Á)

* “Đời Huy Du cuộc viễn du ngời sáng

Khắp nước non trọn ngày tháng hào hùng

Huy Du đêm nhạc tưng bừng

Họ Huy, Huy Cận xin mừng Huy Du

Nhạc thơ thơ nhạc nòi tình

Đêm nay Huy Cận tưởng mình… Huy Du”

(Nhà thơ Huy Cận, 1996)

(Còn nữa)

Nguyễn Phú Cương ghi

(Theo VIETTIMES )

Phần II:

Sau tết Đinh Hợi, ông nhắn tôi sang chơi, hóa ra ông đang xếp các tư liệu báo chí. “Bây giờ mắt nhìn lâu là mỏi, mình muốn xếp các tư liệu mà cứ lần lữa mãi, nếu cậu rảnh giúp mình một tay” – ông nói với tôi, vẻ ái ngại. Cầm chồng báo hàng trăm tờ được ông gìn giữ cẩn thận, trong đó có bản nhạc được in trong “thành” cách đây hơn nửa thế kỷ, những bài viết của GS Trần Quốc Vượng, thủ bút của nhà thơ Huy Cận, của những cây bút nổi tiếng, của những nhạc sĩ, và những bài viết hồn nhiên của những người yêu quý tác phẩm Huy Du. Tôi lại thấy mình có cái may là “được tham khảo cả kho” tư liệu của ông…

Chuyện bây giờ mới kể

 

 Ảnh: từ trái qua phải Quang Dũng người đứng thứ năm, Huy Du người đứng thứ bẩy tại trường Thiếu sinh quân Liên khu III, 1949 (ảnh tư liệu gia đình nhạc sĩ Huy Du)

Hôm đưa lại tập tư liệu đã “chế bản” (chọn cắt riêng những bài báo viết về ông) được dán trong quyển sổ bìa cứng, ông vui lắm. Ông còn trêu “Thế “nhà báo” có điều gì cần hỏi?

Tôi thưa với ông rằng tập báo hàng trăm bài được viết từ hơn 40 năm đến nay kèm với quyển “Huy Du – Đời và nhạc” thì các tay bút đã “khai thác” nhạc sĩ Huy Du hết cả rồi. Vậy có điều gì mà do hoàn cảnh lúc đó chưa thể nói ra được thì xin ông kể cho được nghe” .

Ông cười nhẹ nhàng “Thế mà đất nước thống nhất đã 32 năm rồi, thời gian quả nhanh thật”

Tôi xin được ghi lại những câu chuyện này qua những lần được ông kể tại căn nhà ở nam Thành Công, cả khi đến thăm ông ở bệnh viện Hữu Nghị lúc vắng người.

Bài hát “Nổi lửa lên em” và bi kịch tình yêu ở Trường Sơn

Chuyện phải nói trước tiên là xung quanh bài hát “Nổi lửa lên em” lời của Giang Lam và Huy Du: các bài báo đã viết đều chính xác trừ… phần kết thúc:

Chiến dịch Đường Chín – Khe Sanh 1968 Huy Du cùng nhóm văn nghệ sĩ quân đội có mặt Trường Sơn. Sau một ngày leo đèo vượt dốc, mưa xối xả, các anh đến trạm giao liên lưng núi. Lúc đó trời bắt đầu tối, cái lạnh, cái đói ập đến. Các cô gái binh trạm vội thu xếp chỗ mắc võng cho khách mới, họ nổi bếp lửa nấu ăn. Ánh lửa ấm áp và bát cháo nóng xua đi cái lạnh và cái đói.

Nhà thơ Xuân Sách giới thiệu “Các đồng chí đã hát bài của nhạc sĩ Huy Du chưa? Đây là Huy Du đó”. Các cô vui vẻ reo lên “Thủ trưởng làm nhiều bài hát cho bộ đội hay quá. Chúng em hát suốt”. Một cô dáng vẻ phụ trách nói: “Sao thủ trưởng không làm cho chị em nuôi quân chúng em một bài hát?”.

Mấy ngày ở lại binh trạm, trong món ăn hàng ngày các văn nghệ sĩ được bồi dưỡng có những cánh rau rừng mà các cô gái phải đi ra bãi bom B52 hái về. Sự quan tâm đến bữa ăn, nước uống nơi bom đạn khốc liệt khiến các anh rất cảm động. Nhưng câu hỏi như một lời trách cứ ám ảnh nhạc sĩ. Huy Du được biết cô gái xinh đẹp đó tên rất giản dị: Sạn, quê Thanh Hóa. Cô phụ trách quản lý bếp ăn.

Về Hà Nội, bên cạnh những sáng tác mới về chiến trường, trong lòng Huy Du canh cánh lời hứa với các cô gái binh trạm ấy. Một hôm đọc trên báo Thương nghiệp bài thơ mà Giang Lam tặng ông về các cô gái ở Cửa hàng Mậu dịch ăn uống nơi tuyến lửa (Phải nói thêm một chút về Giang Lam: Có nhiều báo ghi nhầm là Giang Nam – tác giả bài thơ Quê hương nổi tiếng. Đây là Giang Lam vốn là học trò của Huy Du ở trường Thiếu sinh quân, lúc đó coomg tác ở báo Thương nghiệp).

Đọc bài thơ thấy đúng tâm trạng mình, ông sáng tác bài hát “Nổi lửa lên em” rất hào hứng. (Người em trai út nhạc sĩ Huy Du tôi gặp ở bệnh viện còn nhớ: Hồi đó làm bài hát này, nhà anh Huy Du ở Yên Phụ gần nhà máy điện là toạ độ Mỹ bắn phá, phải sơ tán lên nhà anh trai ở Nguyễn Công Trứ, chuyển cả cái đàn piano lên . Bài hát này đựợc hoàn thiện ở đây). Bài hát thu thanh và phát trên làn sóng đài Tiếng Nói Việt Nam, được in ra thành các tờ bướm. Trong chuyến đi Trường Sơn lần tiếp (chiến dịch Đường Chín – Nam Lào 1971). Huy Du ghé vào binh trạm năm trước. Được tin Sạn đã không còn nữa! Đến trước nấm mồ người con gái Huy Du đã đốt bản nhạc “viết theo đơn đặt hàng” của cô như một nén hương tưởng niệm.

Nhạc sĩ Huy Du kể rằng sau này ông được biết sự thật cái chết của của cô Sạn như sau: Cô có người yêu là một chiến sĩ trinh sát, nhưng bên ban Chính trị cũng có một chàng sĩ quan rất mê cô. Một tối, anh sĩ quan đến gặp Sạn và hỏi thẳng có yêu anh ta không! Cô Sạn trả lời dứt khoát là “Anh thông cảm, em đã có người yêu rồi!”. Thế là anh ta bóp cò, khi mọi người đến thì cô Sạn đã chết, người kia nói trong lúc hấp hối “Tôi đã giết cô ấy”. Hồi đó, chuyện này coi như là phải bí mật, cấm không được lan truyền gây dư luận không hay.

Một bài hát phải xóa bỏ 

Năm 1964 rộ lên từ chiến trường Miền Nam về Nguyễn Văn Bé, trong nhiều bài hát về anh ta, Huy Du có bài “Xin khắc tên anh trên vách chiến hào” mà ông rất ưng ý. Hóa ra đó là một tên chiêu hồi do địch dựng lên. Bài hát phải bỏ. Uổng phí cả một sáng tạo.

Phổ thơ và chuyện nhạy cảm về nhuận bút

Trong gần 400 bài hát của Huy Du, có nhiều bài ông phổ thơ, người gắn bó nhiều với ông là nhà thơ Xuân Sách.

Xuân Sách cùng Đội sáng tác Tổng Cục Chính trị: “Ngay trẻ cũng biết võ vẽ đàn hát và thích nhạc Huy Du… Bài hát về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân “Cùng anh tiến quân trên đường dài” ra đời như thế này: Hai người thống nhất ý tưởng rồi khi Huy Du làm xong nhạc, Xuân Sách cầm bản nhạc gõ trên phím đàn piano “phổ lời cho giai điệu”. Cũng từ bái hát đó cặp bài trùng “Huy Du – Xuân Sách” gắn bó với nhau trên con đường sáng tạo đầy say mê. Trong năm tác phẩm được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật của Huy Du có đến hai tác phẩm lời của Xuân Sách.

Huy Du kể về trường hợp phổ thơ “Anh vẫn hành quân” của Trần Hữu Thung: Đọc báo Văn nghệ thấy bài thơ ấy hay, mình biên thư gửi anh Thung đề nghị được phổ nhạc bài thơ này. Sau này Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh thu thanh in băng có trả nhuận bút 150.000 đồng. Đây là nhuận bút đầu tiên cho bái hát này. Không biết địa chỉ nhà thơ, đành gửi về Hội Văn nghệ Nghệ An nhờ chuyển dùm kèm theo 50.000 đồng. Mấy tháng sau, một sáng có tiếng gõ cửa. Một cô gái rụt rè hởi “Thưa, bác có phải là nhạc sĩ Huy Du không?” Mình nói “Tôi đây, có việc gì vậy cháu ?”. Cô vội nói “Cháu là con bố Trần Hữu Thung. Cháu đang học ở Đại học Văn hóa. Vừa qua cháu có về thăm nhà, bố cháu gửi bác cái thư”. Lá thư ông trân trọng giữ trong tập tư liệu “Anh Hu Du thân mến. Tôi đã nhận được số tiền anh gửi cho. Tiền chả đáng là bao nhưng nó làm tôi rất xúc động. Lâu quá, qua nhiều sự việc xảy ra xung quanh khiến tôi không khỏi có lúc nghĩ rằng con người bây giờ đối xử với nhau thật tàn tệ. Đồng tiền đã khiến con người quên cả tình nghĩa vợ chồng, anh em, quên cả những ứng xử lịch lãm, ân tình với bạn bè. Bởi thế, tôi rất cảm ơn anh đã cho tôi niềm tin vào cuộc đời này vẫn còn có những con người tín nghĩa…”

Khi được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, ông gửi chút tiền “chia lộc” với các nhà thơ mà mình phổ nhạc!

Bạn bè 

Huy Du kể: “Té ra hồi mình làm Tổng thư ký hội Nhạc sĩ Việt Nam, mình giải quyết cho nhiều anh em trong ngành đi ra nước ngoài học tập tham quan học hỏi nhất. Rất cần ra khỏi cửa xem thế giới họ làm âm nhạc ra sao”.

Nhà thơ Quang Dũng hơn nhạc sĩ Huy Du sáu tuổi, hai ông quen biết từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở chiến khu II. Dáng người ông to cao, râu quai nón trông dữ tướng mà thật hiền, thật tài hoa: làm thơ, vẽ tranh, viết truyện… Năm 1947 Quang Dũng hát bài “Ba Vì mờ cao” cho mình nghe, mà tác giả lại không ký xướng âm thế là nhạc sĩ làm “thư ký” ghi lại âm và cùng Quang Dũng chỉnh lại. Huy Du được Quang Dũng đọc bài thơ “Tây Tiến”. Không phổ được nhạc bài thơ này thì ông phổ thơ bạn vào… “tranh”. Trong phòng khách của ông treo những búc tranh sơn dầu ông vẽ trông hồn nhiên và trong sáng làm sao!

Với nhạc sĩ Hoàng Vân: Hồi cuối năm 1964, một lần anh Văn gọi mình vào hỏi chuyện về nhạc sĩ Hoàng Vân (cái vụ vạ miệng lưu truyền trong anh em văn nghệ). Mình báo cáo với đại tướng là “Hoàng Vân là nhạc sĩ có nhiều tác phẩm tốt, vừa được học chính quy tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh, đang có kế hoạch làm những tác phẩm giao hưởng, hợp xướng lớn tầm cỡ nên anh ấy có nguyện vọng được ở Hà Nội để có điệu kiện hoàn thành kế hoạch này”. Đại tướng gật đầu không hỏi gì thêm. Ngay sau đó Hoàng Vân có bài “Quảng Bình quê ta ơi” nổi tiếng sau đợt đi thực tế sáng tác ở tuyến lửa Quảng Bình. Ở đời lắm cái nói đi thì nhẹ, nói lại thì nặng, thành ra chuyện quan điểm lập trường rất nặng nề.

Với nhà văn Nguyễn Khải: Đất nước thống nhất, cùng đoàn với các văn nghệ sĩ mình vào thành phố Hồ Chí Minh, được biết Nguyễn Khải đi tìm thân nhân. Một hôm mình gặp ông phủ Trước là bạn của bố, người bên Gia Lâm. Từ ông Trước lần ra bố của Nguyễn Khải. Sau này Nguyễn Khải, kể chuyện này trong tiểu thuyết “Thượng đế thì cười”.

Những giọt serenata cuối mùa thu 

Trung tuần tháng 10, tôi đưa nhạc sĩ Hồ Bắc đến thăm ông, căn phòng nhỏ ở bệnh viện Hữu Nghị chiều cuối thu. Hai ông bạn cùng quê Bắc Ninh mái tóc đều bạc trắng. Ông chỉ vào dây nhựa truyền dung dich qua cổ tay, nói: “Mình truyền cái này hơn chục ngày rồi, mọi cái đều “tiếp viện” bằng đường “thủy” này. Mình phải bảo bạn bè nếu đến thăm thì đừng mang quà cáp, có ăn được gì đâu. Mình biết bệnh mình ông ạ, bác sĩ và gia đình đã chạy hết kiểu rồi. Được cái mọi việc cuộc đời đều đã thu xếp xong. Vợ, con dâu rể và cháu nội luôn bên cạnh, con gái con rể ở xa cũng về chăm sóc bố, bạn bè đến thăm thân thương lắm. Giờ có ra đi thì trong lòng mình cũng thanh thản”.

Nhạc sĩ Hồ Bắc cũng nói về cái tuổi già: sức khỏe và bệnh tật và thông báo:

“Minh đang in quyển “Tổ quốc yêu thương” bỏ tiền túi thôi, để tri ân bạn bè đã yêu quý, giúp đỡ âm nhạc mình” Ông Huy Du nghiêng tai lắng nghe, cười “Hay lắm, bây giờ làm được cái gì thì làm ngay đi ông ạ”. Rồi hai ông im lặng, một cơn gió mạnh qua cửa sổ khép hờ mùi hoa sữa cuối thu đâu đây len vào nhè nhẹ.

Nhạc sĩ Huy Du nhìn ra cửa sổ “Bây giờ mình chỉ loanh quanh trong cái phòng nhỏ này, ngoài kia trời chắc đẹp lắm. Cuối thu mà!”

Khi tôi cắm bông hoa hồng nhung vào lọ để trên nóc tủ thuốc đầu giường, ông mỉn cười ra dấu đóng cửa sổ lại chẹn cái đường của hoa sữa nồng nàn kia lại: “Hoa hồng đẹp thật, lại thơm quá!”.

Ở căn phòng số 10 nhà số 10 bệnh viện Hữu nghị trong lúc chống chọi với bệnh tật, ông có nhiều niềm vui lớn: Anh Sáu Phong – tên thân mật Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đến thăm hỏi động viên nhạc sĩ.

 

 Ảnh chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm hỏi nhạc sĩ Huy Du tại bện viện Hữu Nghị (ảnh tư liệu gia đình nhạc sĩ Huy Du)

Và cũng trên giường bệnh này ông được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, (Ông là nhạc sĩ thứ ba được vinh dự này sau các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Văn Cao)

Ông đưa tôi hai bản nhạc viết cho cháu nội Nguyễn Phương Tuệ Linh, và đĩa CD bài hát này, có lẽ đây là những dòng nhạc cuối của ông, khi ông đã hơn 40 ngày chỉ nhận dinh dưỡng qua ống nhựa.

Cô con dâu bế đứa cháu nội vào, ông giơ tay đón bé sà vào lòng ông cười toe toét. Một niềm hạnh phúc bừng sáng trên khuôn mặt ông. Mà lần nào vào thăm ông gặp cô con dâu đều thấy mắt cô hoe hoe, sụt sùi thương bố.

 

 Ảnh nhạc sĩ Huy Du và cháu nội Nguyễn Phương Tuệ Linh

Nghệ sĩ nhân dân, nhà chỉ huy dàn nhạc Trần Quý mở nắp piano chơi bản nhạc này, khi âm thanh đã tắt, ông lau nước mắt chảy từ lúc nào… “Nhạc sĩ Huy Du là người thầy dạy tôi nốt nhạc đầu tiên, ông luôn bện cạnh tôi và nhiều thế hệ nhạc sĩ trong cuộc đời nghệ thuật. Bài hát cuối cùng dành cho cháu bé mới chín tháng tuổi là món quà vô giá cho bé Tuệ Linh, mà cũng là lời nhắn nhủ các nhạc sĩ hết mình cho nghệ thuật.

(Theo VieTimes)

http://www.vietducinfo.com/show_article.php?id=19380&PHPSESSID=d9fa61cdcf9c8d4f6c3cb7080ca034a6

http://60s.com.vn/index/1036290/05012008.aspx

http://news.socbay.com/nhac_si_huy_du__cuoc_vien_du_ngoi_sang__phan_i_-613068229-33685504.html

Written by doclaibaibao

Tháng Bảy 16, 2011 lúc 11:25 sáng

Posted in MUSIC

Một bình luận

Subscribe to comments with RSS.

  1. I truly appreciate reading your post NHẠC SĨ HUY DU:
    “CUỘC VIỄN DU NGỜI SÁNG (PHẦN I+II) Nguyễn Phú Cương | ĐỌC LẠI BÀI BÁO.

    kennysang.org

    Tháng Bảy 8, 2015 at 2:27 chiều


Bình luận về bài viết này