ĐỌC LẠI BÀI BÁO

Just another WordPress.com site

Vụ “rút ruột” bảo hiểm y tế: Không chỉ là lỗi lầm

leave a comment »

Thứ Ba, 23/06/2009, 08:19 (GMT+7)

Vụ “rút ruột” bảo hiểm y tế: Không chỉ là lỗi lầm

TT – Vụ việc “rút ruột” bảo hiểm y tế vừa xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy có thể nói là một lỗi lớn, là hành vi tham ô tiền để dành chữa bệnh của những người đã trích phần tiền lương, tiền công ít ỏi của mình vào quỹ bảo hiểm y tế. Chúng ta đang kêu gọi đóng góp mổ tim cho trẻ nghèo, nếu sử dụng quỹ bảo hiểm y tế đúng mục đích, sẽ có thêm nhiều em bé được cứu sống.

Thực tế chuyện ở Chợ Rẫy không phải là cá biệt. Đã từng xảy ra những kiểu rút ruột bằng cách chỉ định vô tội vạ các kỹ thuật cao, chi phí lớn cho bệnh nhân không cần phải sử dụng kỹ thuật này nhằm nhanh chóng thu vốn mua thiết bị y tế “xã hội hóa”, ở nhiều nơi thực chất là hình thức làm giàu cho một số cá nhân trong và ngoài bệnh viện.

Trong quy chế khám chữa bệnh, bác sĩ có quyền và không ai được can thiệp vào chỉ định của bác sĩ. Sẽ tốt biết bao cho người bệnh và cả cho chính sách bảo hiểm y tế nếu những chỉ định ấy vì lợi ích người bệnh. Nhưng những kẻ lợi dụng kẽ hở để lập hồ sơ giả cho bệnh nhân ngoại trú, thậm chí lập hồ sơ giả cho cả bệnh nhân nội trú; lợi dụng chính sách xã hội hóa chỉ định thật nhiều kỹ thuật cho bệnh nhân để rút ruột quỹ bảo hiểm đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự an toàn của quỹ, mà minh chứng là tình trạng chi nhiều hơn thu liên tiếp mấy năm nay!

Đã có những so sánh cho thấy chi phí cho bệnh nhân dịch vụ thấp hơn bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Điều đó cho thấy một phần của tình trạng kể trên. Có một giải pháp chúng ta đã từng sử dụng nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Đó là sử dụng hình thức khoán quỹ căn cứ vào số liệu của kỳ trước. Nếu bệnh nhân năm sau tăng, chi phí trả cho bệnh viện cũng tăng.

Trước đây thực hiện hình thức này chưa tốt vì ta chưa có những thống kê chi phí khám chữa bệnh kỳ trước thật sự khoa học và hợp lý. Nay đã có Luật bảo hiểm y tế, có điều kiện để thực hiện hình thức này. Tuy nhiên chỉ tiếc là 1-7 tới, Luật bảo hiểm y tế sẽ có hiệu lực nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định lẫn thông tư hướng dẫn.

Ở Hàn Quốc, trung tâm giám định không trực thuộc Bộ Y tế, cũng không trực thuộc cơ quan bảo hiểm xã hội. Lúc này, bảo hiểm xã hội là nơi thu, giữ tiền và thanh toán cho bệnh viện, sau khi trung tâm giám định khám chữa bệnh xem xét. Ở VN hoàn toàn có thể thành lập được những trung tâm kiểu này ở các tỉnh, thành phố. Và lúc ấy không ai phải đổ trách nhiệm cho ai, vì trung tâm giám định là cơ quan độc lập, không ăn lương của cả bệnh viện hoặc bảo hiểm, để có thể nảy sinh nghi ngờ nghiêng về phía quyền lợi bảo hiểm hoặc bệnh viện!

Với gần 50 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế, mỗi một vấn đề nhỏ liên quan đến bảo hiểm y tế sẽ liên quan đến hàng triệu người dân. Do đó cần phải tìm kiếm ngay những phương án sử dụng tốt hơn quỹ bảo hiểm y tế.

HOÀNG KIẾN THIẾT (Bảo hiểm xã hội VN)
LAN ANH ghi

 

 

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/322877/Vu-rut-ruot-bao-hiem-y-te-Khong-chi-la-loi-lam.html

Written by doclaibaibao

Tháng Bảy 18, 2011 lúc 6:15 sáng

Posted in MEDICINE

Bình luận về bài viết này