ĐỌC LẠI BÀI BÁO

Just another WordPress.com site

Là một bác sĩ trẻ, tôi có thể kiếm được 1 tỷ đồng trong 2 năm

leave a comment »

 

Là một bác sĩ trẻ, tôi có thể kiếm được 1 tỷ đồng trong 2 năm

Là một bác sĩ trẻ, 5 năm tuổi nghề, tôi đang làm cho một công ty nước ngoài. Thế nhưng một năm chỉ làm việc 9 tháng tôi có thể kiếm được 455 triệu trong khi 4 năm làm việc cho bệnh viện nhà nước tôi chỉ để dành được 30 triệu.

Tôi xin tự giới thiệu, tôi là một bác sĩ trẻ 30 tuổi đời, 5 năm tuổi nghề, đang làm bác sĩ cho một công ty nước ngoài được 1 năm nay. Tôi thấy sự khác biệt rất lớn khi tôi còn làm trong một bệnh viện của nhà nước như thế nào. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Tuy nhiên tôi xin đưa ra sự so sánh về đời sống, thu nhập như sau:

Làm việc ở công ty nước ngoài, tuyển dụng là dựa trên năng lực cá nhân, kinh nghiệm và trình độ ngoại ngữ. Trước tiên, tôi phải vượt qua vòng phỏng vấn bằng tiếng Anh, sau đó tôi phải vượt qua cuộc sát hạch tiếng Anh ở trung tâm Anh ngữ quốc tế. Cuối cùng để được tuyển dụng tôi phải vượt qua cuộc kiểm tra sức khoẻ.

Tôi phải trải qua thời gian thử việc 2 tháng mà vẫn có lương cơ bản, nếu so sánh với lương nhà nước thì tôi đang “vượt khung”, sau đó tôi được đào tạo ở nước ngoài trong thời gian nhất định, tuỳ vào công việc. Qua thời gian thử việc, tôi có lương chính thức.

Làm ở công ty nước ngoài là tính lương theo giờ, theo tuần. Công việc bác sĩ ở công ty tôi có nhiều công việc khác nhau. Tôi chọn 4 tuần làm việc liên tục, 4 tuần được nghỉ. Lương của tôi là gần 10 triệu một tuần, công ty hoàn toàn bao ăn ở khách sạn, đi lại. Mỗi ngày trực, làm việc 12 tiếng từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối.

Nhưng thực ra mỗi ngày tôi chỉ làm việc 10 giờ (vì giải lao, nghỉ trưa được 2 tiếng). Nói là làm việc 12 giờ mỗi ngày nhưng tôi không phải làm liên tục 12 giờ. Có việc thì làm, không có thì ngồi chơi.

Mỗi ngày tôi chỉ khám khoảng 5 đến 20 bệnh nhân mà thôi, công việc nhẹ nhàng. Phòng làm việc của tôi đựợc trang bị hiện đại, máy lạnh mát rượi, internet… Nếu công ty có yêu cầu làm thêm giờ, thì lương làm thêm giờ là 15 triệu/1 tuần. Cuối tháng mỗi người phải làm Timesheet, ai làm nhiều giờ hơn thì tiền lương nhiều hơn.

Như vậy, về thu nhập, một năm tôi làm khoảng 6 tháng, tức là 26 tuần thì lương của tôi là 260 triệu, chưa kể thời gian tôi làm thêm giờ ngoài giờ khoảng 3 tháng (13 tuần) tức là 195 triệu. Như vậy lương của tôi là 455 triệu 1 năm (chỉ làm việc 9 tháng liên tục) mà “không tiêu đồng nào” vì công ty lo ăn ở đi lại. Thời gian nghỉ tôi có thể đi du lịch khắp nơi, có thể làm thêm một công việc ở nơi khác, làm từ thiện.

Tôi đang làm việc vào năm thứ 2, lương của tôi tăng 30 %. Tính sơ sơ, chỉ cần 2 năm làm thu nhập chính đáng của tôi là 1 tỷ đồng một cách nhẹ nhàng, tôi sẽ mua một miếng đất, xây nhà, mua xe hơi rồi cưới vợ, điều mà tôi nằm mơ cũng không thấy khi tôi còn làm việc cho bệnh viện nhà nước.

Tôi sinh ra ở mảnh đất miền trung nghèo khó, bão lụt quanh năm. Truớc đây tôi bắt đầu làm việc cho một bệnh viện nhà nước tuyến quận huyện ở miền trung vào năm 2005. Tính luôn lương của tôi thời đó theo lương tối thiểu bây giờ, tôi phải trải qua 9 tháng thử việc với mức lương 85% x 2.34 x lương tối thiểu = chưa được 1,5 triệu đồng. Đến tháng thứ 10 tôi mới nhận được 100% lương, có tiền viện phí, phụ cấp 25 %, tiền trực, cộng tất cả thì một thánng nhận gần 3 triệu đồng.

Nhưng tôi phải làm việc 5 ngày/ tuần, 8 tiếng 1 ngày. Tham gia trực gác 24 tiếng mỗi ngày, mỗi tháng trực 6 đến 8 ngày. Hôm nay trực, hôm sau có khi còn ở lại làm việc đến trưa mới về. Tính ra một tháng tôi làm việc hơn 300 giờ (trong đó hơn 220 giờ ban ngày, hơn 80 giờ ban đêm), chịu nhiều áp lực.

Một ngày khám bệnh từ 100 đến 250 bệnh nhân, cấp cứu 10 đến 30 ca. Qua gần 4 năm làm việc (chính xác là 3 năm 9 tháng) tôi được tăng lương lên 2.64 x lương tối thiểu, cộng với tiền viện phí, phụ cấp 25 %. Cộng tất cả gần 4 triệu đồng.

Nói thật lòng sau gần 4 năm làm việc cho bệnh viện nhà nước, tôi dư được gần 30 triệu đồng vì tôi sống rất tiết kiệm, hơn nữa, tôi ăn ở nhà ba mẹ, nhà tôi gần chỗ làm, tôi thường xuyên xin tiền ba mẹ để tiêu xài.

Ngoài ra, làm việc ở bệnh viện nhà nước gần 4 năm mà tôi chưa được cử đi học, lãnh đạo giải thích là tôi chưa đến lượt, còn nhiều bác sĩ khác làm việc hơn 10 năm mà vẫn chưa đuợc đi học. Còn nhiều lí do khác mà tôi biết là nếu tôi đi học thì ai sẽ thay thế tôi làm việc. Hiện tại bệnh viện đang thiếu người, vừa qua có gần 10 bác sĩ ra đi khỏi bệnh viện để làm việc nơi khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn.

Sau đó tôi thấy nhiều bác sĩ ra đi khỏi cái bệnh viện này mà bây giờ họ đang rất thành công. Tôi cũng đang đi trên con đường đó. Điều mà tôi nhớ nhất ở cái bệnh viện thân yêu của tôi là những bệnh nhân nghèo, họ cần những bác sĩ tận tâm. Tôi cũng nhớ đồng nghiệp của tôi, những bác sĩ, y tá, hộ lý, anh lái xe, bảo vệ… Họ rất khó khăn trong cuộc sống nhưng luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi viết bài này để đọc giả có thể hiểu thêm về đời sống của bác sĩ làm việc cho nhà nước và tư nhân, nước ngoài như thế nào. Hiện nay cũng có nhiều bác sĩ làm việc cho bệnh viện nhà nước thu nhập rất cao nhưng số lượng không nhiều. Đó là các bác sĩ làm việc cho các bệnh viện lớn, tuyến trung ương, tuyến tỉnh ở 2 đầu đất nước, ở vị trí trưởng, phó khoa, bác sĩ lâu năm, ít nhất cũng hơn 40 tuổi, hơn 50 tuổi. Ngoài thu nhập ở bệnh viện, các bác sĩ đó còn đi làm thêm ở phòng mach tư, bệnh viện tư. Còn bác sĩ trẻ như tôi, thì làm cho nhà nước ở đâu cũng thu nhập thấp lắm.

Bác sĩ Ngô Quang Bửu

Việc làm ở công ty nước ngoài có dễ kiếm???

Sự thật về lương bổng của BV công đôi lúc cũng làm mình thấy hơi nản lòng nhưng biết sao giờ.

Việc làm ở công ty nước ngoài đâu phải dễ dàng kiếm được.

Mong cho mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn!

( Tran Kha )


Second chance

Anh Bửu ơi, mặc dù tôi bằng tuổi anh, nhưng xin được gọi anh là anh vì anh dám làm dám can đảm với năng lực của mình, quyết ra đi làm việc lớn cho đời mình.

Em đang làm cho một cơ quan nhà nước ở tuyến tỉnh hẳn hoi , em đã học xong sau đại học có bằng chuyên khoa 1. Về cơ quan không phải xin xỏ gì. Nhưng lương của em thì èo ọt khoảng chư a tới 2 triệu một tháng. Em chưa dám cưới vợ vì với lương đó cứ cho vợ em cũng có việc làm như em thì tổng thu nhập 2 vợ chồng chỉ có 4 triệu 1 tháng thì làm sao mà tính chuyện mua đất , xây nhà , rồi em bé chứ. Em đã quyết ra sống độc lập và không xin tiền ba mẹ từ 5 năm nay rồi.

Anh có thể chỉ bảo em phải làm sao để được như anh không. Em thương các bệnh nhân nghèo ở đây lắm, em cũng ở miền Trung, nhưng họ thì chỉ biết cho họ thôi, khi bệnh nặng họ mới nhớ tới bác sỹ , chứ ai thương em hơn chính em chứ. Thú thật , em cũng chưa có nỗi ngưòi yêu vì cô gái nào khi biết em làm bác sỹ thì điều đầu tiên họ nghĩ là em chắc giàu có lắm . Em tính bỏ nghề đi học nghề khác như là lập trình viên chẳng hạn .

Em muốn tự thay đổi cuộc sống của mình, không thể chờ vào chính sách của nhà nước được. Cám ơn anh và mong sớm nhận hồi âm. Thực sự 10 năm học ròng rã , em không nỡ dứt nghề.

( Anh bửu ơi )


Dân ta còn nghèo lắm, cần lắm một tấm lòng !!

Mỗi nước, mỗi địa phương, mỗi con người có địa vị và hoàn cảnh khác nhau. Như BS. Bửu nói, thu nhập tại công ty hiện tại rất cao, nhưng hãy nhìn lại số tiền mà bệnh nhân bỏ ra có như số tiền mà họ phải trả tại các bệnh viện nhà nước không. Đồng ý là mức thu nhập chênh lệch quá xa, nhưng từ xưa đã có câu “lương y như từ mẫu”, trên đời này có biết bao bà mẹ, giàu có, nghèo có, cùng cực cũng có, nhưng mấy ai vứt bỏ đi đứa con của mình. Nếu ai cũng chạy theo đồng tiền, thì những vùng sâu, vùng xa có mấy ai được tiếp cận với những bác sỹ tận tình, hết lòng cứu chữa – có mấy ai đủ tiền để tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh cao cấp khi thu nhập của họ thậm chí ăn không đủ no, có người phải tự rạch lưng mổ thận, thậm chí chấp nhận cả cái chết vì không có tiền chữa trị.

Đồng ý là các chế độ đãi ngộ bác sỹ trẻ chưa được quan tâm đúng mức so với thtiền bạc, công sức , họ bỏ ra trong quá trình đào tạo chuyên môn. Nhưng người dân vẫn cần lắm một tấm lòng.

( Huy Tuong )


Chảy máy chất xám rồi !

Bài viết của anh thể hiện khá rõ vấn đề hiện nay về công việc của những người có năng lực và không có năng lực. Ở Nhà nước người có năng lực và không có được tính “cào bằng ” như nhau. Nhưng cái quan trọng hiện nay là nước ta vẫn còn nghèo, dân ta còn khổ lắm. Nếu chỉ tính riêng vị bác sĩ nào cũng lĩnh lương chỉ bằng 1/2 của anh thì ai sẽ dám đến bệnh viện khám bệnh nữa. Nhà nước hỗ trợ phần nào, tất cả viện phí đổ nên đầu dân. Cái mức lương của anh càng làm cho sự chênh lệch giàu nghèo tăng thêm.

Nhưng cũng phải dẫn một thực tế là các bác sĩ làm trong bệnh viện nhà nước ở các thành phố lớn thì mức lương chính họ công khai, lương thì không cao nhưng thu nhập của họ thì đảm bảo rằng sẽ gấp 3 đến 4 lần anh. Nhưng để leo lên được đó đảm bảo họ luồn lách cũng khó khăn gấp mấy lần anh thi cử.

( Hoang )


Trân trọng anh Bửu

Tôi chỉ xin được nói một từ thôi, tôi trân trọng tấm lòng và năng lực của anh.

Anh là tấm gương để những người như chúng tôi học tập và noi theo.

( người nhút nhát )


Người nghèo lấy đâu ra tiền trả lương cao ngất ngưởng cho bạn

Chúc bạn vui với công việc của mình,

Bác sỹ nào cũng suy nghĩ như bạn chắc những người thông thường và người nghèo không có cơ hội đến bệnh viện, vì lấy đâu ra tiền để trả viện phí và trả tiền lương cao ngất ngưởng cho bạn.

( TUẤN )


LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU !!

Thời học THPT đa số ai cũng mơ ước được làm bác sĩ để: “Giúp cho người nghèo không có tiền chữa bệnh” nhưng đã trở thành bác sĩ nổi tiếng rồi thì họ lại quên lời hứa. Họ luôn quan tâm tới đồng tiền. Tiền thì ai không thích ! Tuy nhiên anh cũng xem tùy hoàn cảnh chứ !

Nếu bệnh viện nhà nước mà trả lương cho anh như bệnh viện nước ngoài thì người khổ không phải là nhà nước mà là người dân nghèo không đủ tiền khám chữa bệnh, không đủ tiền trả lương cho các BS.

Mọi người phải thông cảm cho người dân chứ ! Dân ta còn nghèo ! mức thu nhập đóng góp cho hệ thống an sinh xã hội cũng thấp thì làm sao trả lương cho các BS cao hơn được. theo tôi được biết thì trong xã hội còn có ngành Giáo dục thu nhập còn thấp hơn Y Tế, nhưng những thầy cố giáo hết lòng tận tụy vì các Đàn em thân yêu.

Các anh phải xác định rõ mục đích nghề nghiệp của mình là gì? Nếu vì mục đích nhân đạo, cứu người ” Cú nhân độ thế” thì chọn làm Bác sĩ. Còn nếu muốn giàu thì làm kinh doanh ” Phi thương bất phú”. Nếu muốn làm bác sĩ mà vừa muốn làm giàu thì chỉ có hại dân, hại người thôi !!!

( HOÀNG )


có tiền nhưng không có kinh nghiệm

Theo như lời bác sĩ nói thì tôi thấy bác sĩ làm lương cao, nhàn rỗi mỗi ngày chỉ khám cho 5-20 bệnh nhân thì sao có thể tích lũy kinh nghiệm như tại bệnh việc nhà nước khám từ 100 đến 200 bệnh nhân.

( ngocnhu)


Tiền

Thân chào Bác sĩ Ngô Quang Bửu. Tôi cũng là một người Miền Trung với nắng gió khắc nghiệt, tôi cũng đang làm viêc cho một công ty tư nhân với một mức lương hạn chế nên tôi rất hiểu cái cảm giác của anh về sự chênh lệch về đồng lương giữa công ty hay cơ quan nhà nước so với của các công ty nước ngoài ( tất nhiên là các công ty nước ngoài có uy thế ).

Tôi cũng rất trân trọng anh vì anh luôn nghĩ tới những bệnh nhân nghèo, mà những bệnh nhân nghèo rất cần những Bác sỹ tận tâm ( theo lời anh nói).

Chúc anh luôn mạnh khoẻ, thành đạt và là một Bác sỹ tận tâm với tất cả những bệnh nhân của mình.

( Nguyễn Trung )


Lương cao do đâu???

Anh ạ! Vì tôi biết tuổi đời của tôi nhỏ hơn anh.

Đối với con nhà nghèo thì ăn bận cũng nghèo, làm việc nặng nhọc, tiền kiếm ít ỏi vì lẽ nó làm cho chính bản thân và gia đình của nó. Nhưng nếu nó đi ở đợ cho nhà giàu thì đương nhiên nó được ăn bận sạch sẽ hơn và việc nó làm cũng nhẹ hơn, tiền kiếm được cũng nhiều hơn. Nhưng nó có thể ở nhà để đỡ đần cha mẹ được những việc nặng nhọc hay không? Nó có gì cho cha mẹ nó ngoài tiền.

Giá trị cuộc sống không tính bằng tiền đâu anh ạ. Bất cứ sự hi sinh nào cũng có cái giá của nó cả. Em tôn trọng quyết định của anh, bới không ai sống được hai lần.
Lúc nhỏ, nếu anh bệnh, anh mua thuốc ở đâu? Anh khám bệnh ở đâu? Bà của anh hiện nay đang thăm khám ở trung tâm nào? Có phải anh cũng đến bệnh viện nhà nước. Anh cũng mua thuốc ở những chỗ có vị bác sĩ bán thuốc rẻ mà mau hết bệnh. Có khi không có tiền trả tiền thuốc, người bác sĩ đó cũng cho anh nợ lần sau. Nhờ những viên thuốc của những vị bác sĩ nghèo mà anh sống sót đến bây giờ.

Còn ở nơi anh làm hiện tại có vị trí nào cho những đứa trẻ nghèo như anh ngày xưa không? Có lẽ sau này không có một bác sĩ Ngô Quang Bửu thứ hai. Vì những đứa trẻ nghèo đâu có được chăm sóc đàng hoàng nếu như không có tiền. Bản thân anh không tạo ra những cơ hội cho lớp trẻ tương lai. Tại sao anh lại trao gánh nặng ấy cho những người đồng nghiệp của mình? Anh cũng có trách nhiệm mà!!!

Đất nước chúng ta còn nghèo thì đương nhiên có những bệnh viện nghèo, có những vị bác sĩ nghèo khám bệnh cho dân nghèo.

( Biện Thị Hồng Nhung )


K/g: BS Buu

Day that su la mot su so sanh khap khieng, benh vien nha nuoc noi ma benh nhan ngheo chiem da so, o do can tam long va cai tam cua nguoi bac si, noi ma ca bac si khong the co thu nhap cao.

Benh vien nuoc ngoai chi danh cho nhung nguoi co thu nhap cao va rat cao, va duong nhien bac si duoc tra luong cao la dieu tat yeu.

Toi hi vong voi he thong benh vien o nuoc ta da qua tai, benh nhan con phai nam hanh lang, va mot giuong benh hai nguoi nam, thi viec mo them cac benh vien cong de cham soc suc khoe cho nguoi dan la dieu vo cung can thiet.

( Nhu )


Cần nhiều thay đổi

Đúng theo Bác sỹ Ngô Quang Bửu nói, thực tế ở Việt Nam, có rất nhiều bác sỹ, y tá, …làm việc các bệnh viện, trạm xá lương rất thấp, lương chỉ trang trải tạm đủ nhu cầu hằng ngày. Có nhiều khi cần số tiền vài chục triệu để làm này nọ cũng rất khó rồi, lương chỉ đủ cho nhu cầu hằng ngày nhiều khi còn thiếu trước hụt sau nữa nói chi đến các chuyện vui chơi giải trí, tiêu xài dè xẻng lắm mới đủ cho một tháng.
Tôi từ tỉnh lên thành phố, tiền trọ đã chiếm kha khá trong lương rồi, nói chi ăn uống chi tiêu phụ giúp gia đình.

Còn mua nhà ở ư, sao nghe xa xôi quá. Dự án nhà cho người có thu nhập thấp cũng cần 600 triệu trở lên mới có, vậy tới chừng nào tôi mới có thể mua nhà đây khi mỗi năm tôi chỉ tiết kiệm tối đa mà dư có 10 triệu đồng.

( Bui Thị Thanh Hồng )


Sốc!

Xin thưa với bác sĩ Bửu, tôi thật sự sốc…!

Sốc vì sự chênh lệch, vì thực tế trong ngành và lo xa cho các bệnh nhân nghèo ….

( Thuận-Đà Nẵng )


Sự lựa chọn đúng đắn..

Bạn đã chọn đúng con đường của bạn, mình chúc mừng bạn.

Nhưng nhớ hãy dành thời gian làm ” từ thiện ” như trong bài bạn viết nhé..

( Tân Nội Thất )


Lương nhà nước

Khi đọc bài viết “Là một bác sĩ trẻ, tôi có thể kiếm được 1 tỷ đồng trong 2 năm” của bác sĩ Ngô Quang Bửu tôi cảm thấy hơi hụt hẫng. Sự so sánh về mức lương giữa công ty nhà nước và công ty nước ngoài của anh là quá chênh lệch. Nhưng nói đi thì phải nói lại đất nước ta là một nước đang phát triển nên nhiều nơi đời sống người dân còn nghèo, khi họ bệnh tật chỉ có thể đến các bệnh viện nhà nước và mức thu của bệnh viện cũng thấp hơn nhiều so với các bệnh viện công ty tư nhân và nước ngoài. Nếu bác sĩ nào cũng có suy nghĩ như anh thì lấy đâu ra bác sĩ để làm ở bệnh viện nhà nước, lấy đâu ra người để chữa trị cho họ.

Chúng ta là người Việt Nam dù ít hay nhiều cũng nên thông cảm với các chế độ và chính sách của nước nhà. Nhưng nếu suy nghĩ về mặt khác ” có thực mới vực được đạo” Nếu như đồng lương của các bộ công chức quá ít thì họ cũng dễ bị nản lòng bởi những nơi có thu nhập cao hơn và dễ xảy ra tình trạng chảy máu chất xám. Tôi cũng đang làm ở một công ty nhà nước mức lương chỉ đủ trang trải cho bữa cơm qua ngày, mỗi năm khi có tin lên lương thì giá cả đi trước lương nhà nước theo sau, thì hỏi sao có thể an tâm công tác mà không phải lo trong cuộc sống. Hơn thế nữa lại còn phải đóng thuế thu nhập cá nhân, ta phải xem xét từng khu vực, giá trị tăng trưởng của từng vùng để đánh thuế cho phù hợp, chứ không nên phân bổ đều trên các khu vực như nhau, tôi lấy ví dụ: ở TP Hồ Chí Minh. Mức lương trung bình khoảng 7tr/tháng, nhưng mức sống họ lại cao nào tiền nhà, tiền điện nước đi lại, ăn uống liệu rằng 7tr có đủ cho họ trang trải nói chi là phải đóng thuế.

Vì thế tôi nghĩ ta cần thay đổi chế độ lương bổng thế nào để các nhân viên nhà nước có cuộc sống thoải mái hơn để họ có thể toàn tâm đóng góp sức lao động của mình một cách nhiệt tình tránh tình trạng người tài lại ra làm việc nước ngoài và tình trạng ” chảy máu chất xám”.

( Vũ Hoàng Bích Thủy )


cần phải bàn luận

ước gi các nhà lãnh đạo nghe và đọc đc tâm sự này.
nhưng phải 1 người có tâm và có tầm thì may ra ….
5 năm ăn học tốn kém biết bao nhiêu tiền mà đồng lương quá ít.
đất nước mình còn nghèo nữa, người nghèo càng nghèo thêm và đang bị chảy chất xám. cơ quan, bộ máy nhà nước thì không có người có năng lực và giỏi chuyên môn mà quản lý.
lương ít thì lấy đâu ra tâm trí mà làm việc, ….,
chúc mừng bạn đã thành đạt trên con đường bạn đang chọn.

( 3P)


rất thực tế

anh viết rất thực tế thực tế là vì anh làm cho BV nuớc ngoài chắc chắn là lương cao hơn rồi ( vì tiền khám bệnh cũng cao hơn nhiều mà) nếu bác sĩ nào cũng làm cho BV nước ngoài thì bảo đảm dân ta chết chắc ( những người dân nghèo ) còn những ngành nghề khác thì Cty nước ngoài cũng cao hơn nhiều

Chúc anh mãi là bác sĩ giỏi

( hùng )


Tôi đi khám bệnh

Đọc bài của bạn, tôi nhớ chuyện mình đi khám bệnh. Bệnh viện đầy nghẹt người ngồi ngoài hành lang chờ, bước vào sau cánh cửa phòng khám cũng lố nhố người. Bác sĩ khám thật nhanh, vài câu hỏi về triệu chứng (và hình như cũng rất hờ hững khi nghe câu trả lời), rồi đọc liến thoắng gì đó cho y tá kê toa, rồi ngay lập tức gọi người khác vào khám.

Trong trường hợp đó, tôi thật sự muốn hỏi thêm gì cũng rất ngại, vì sợ làm phiền đến sự bận rộn của bác sĩ. Nhưng có đôi lúc, một vài bác sĩ đã móc túi, đưa tôi cái namecard, và bảo tôi liên hệ khi cần. Tôi không biết trách ai. Bệnh nhân thì quá đông. Nhưng tôi không thấy hết lo lắng vì tình trạng của mình. Tôi không ngại bỏ ra thêm chi phí cho mỗi lần khám bệnh để biết rõ thêm về tình trạng của mình. Bệnh viện công thì quá động. Bệnh viên tư, bệnh viện nước ngoài thì mọc lên như nấm, tốt xấu lẫn lộn.

Mà tôi nói thật, có khi mất tiền nhiều, mà bác sĩ cũng không nhiệt tình cho lắm (vì hình như họ quen với ý nghĩ “bệnh nhân cần họ, và có giải thích thì bệnh nhân cũng không hiểu” hay sao ấy! Tôi cứ lẩn quẩn với những việc như vậy. Nên với tôi, cực chẳng đã, tôi mới đi đến bệnh viên. Chứ không bao giờ tự nguyện khám định kỳ hay làm gì tương tự!

( NTN )


Thu nhập của bạn từ đâu có!

Công ty của bạn có chuyên về cung cấp dịch vụ y tế không ? Nếu có thì, đương nhiên đối tượng khách hàng của họ là người nhiều tiền, khác xa đại đa số người dân lao động mà bệnh viện trước đây của bạn phục vụ. Do vậy, so sánh về thu nhập của bạn là cái khập khiễng thứ nhất. Cái khập khiễng thứ hai là, không thể so sánh khi trình độ chuyên môn của một người cá biệt cao hơn nhiều lần trình độ chuyên môn trung bình của xã hội.

Và điều cuối cùng mong bạn nghĩ tới, ví dụ tương tự thế này cho dễ hiểu: tôi làm ở công ty dược nước ngoài, một năm lương tôi 2 tỷ đồng nhận đủ, tôi có tự hào vì tôi giỏi, tôi lương cao không hay tôi phải suy nghĩ “có phải đồng bào của tôi phải trả tiền thuốc với giá trên trời và nhiều điều phi lý thì tôi mới có mức lương đó”.

Đôi điều muốn chia sẻ.

( Nguyễn Thế Long )


Điều quyết định thu nhập là bạn phải giỏi

Thật ra thì BS giỏi mở phòng mạch tư có thể kiếm thêm mỗi ngày 1-2 triệu cho nên công với lương cơ bản cũng không kém hơn thu nhập của bạn.

Tôi có người bạn học Y khoa ở một trường đại học tỉnh, sau đó ra trường về tỉnh nhà (thuộc loại tỉnh nghèo) mà vừa làm nhà nước, vừa khám ở nhà ngoài giờ thu nhập cũng khoảng 20-30 triệu/năm trong 3 năm đầu. Sau đó thì gấp đôi, có khi gấp 3. Anh ấy mua BĐS, đi du lịch, làm từ thiện, nuôi con học trường quốc tế, du học, cũng được tu nghiệp nước ngoài như Mỹ, Úc…

Điều quyết định thu nhập của 1 BS không phải là nơi làm việc – nhà nước hay tư nhân- mà là bạn phải là BS giỏi.

 

Chán nản!

Chỉ biết chán nản mà thôi! Sống không vì minh trời tru đất diệt, sống mà chỉ biết thân mình thì trời không dung đất không tha!

Được mang kiếp người đã khó, sống sao cho xứng kiếp người còn khó gấp trăm ngàn lần!

( Vũ Thanh Nghiêm)


Phai biet nghi cho dan

Tôi đọc xong bài viết của BS Ngô Quang Bửu tôi có cảm giác mình đang ở trong giai cấp tư bản chỉ biết nghĩ đến mình mà không hề co dòng máu lạc hồng.

BS ngoài vấn đề cơm áo gạo tiền còn có đạo đức nghề nghiệp và sự cống hiến vì nhân dân vì sự nghiệp Ông cha ta để lại chăm sóc cho những bệnh nhân nghèo và những bệnh nhân cần được sống nhờ vào đâu, là nhờ vào chính bàn tay và kiến thức BS cứu chữa nhiệt tình không vụ lợi.

Tôi đọc xong bài viết này tôi thấy rất buồn cho BS NQB đã được Nhà nước đào tạo nhưng lại có suy nghĩ suy tòi về đạo đức.

( phai biet nghi cho dan )


Bác sĩ gì mà sao nói chuyện tiền bạc không vậy?

Còn đâu là lương tâm nữa? Ở nước ngoài (Mỹ), lương bác sĩ cao vì chi phí y tế đắt đỏ, bảo hiểm cho medical malpractice cao, nợ đi học cao, và đời sống người dân cũng cao.

Còn ở VN bác sĩ nào cũng đòi tiền cao như bác sĩ này thì sao người dân có thể điều trị khám bệnh?

( Tam Ngo )


Thất vọng!!!

”Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng,gian khổ sẽ giành phần ai?”.

( nguyen duc )


Bác sĩ Ngô Quang B­­ửu rất thật lòng

Bác sĩ Ngô Quang B­ửu nói rất thật lòng, dù ở vị trí nào bác sĩ cũng có thể đóng góp cho xã hội cho nhân dân.

Mong sao những cán bộ có trách nhiệm quan tâm hơn đến những diễn đàn như thế này.

( Hoàng Văn Chi )


Ai cũng muốn có một cuộc sống tốt hơn

Đã là con người thì ai cũng mong mình có một cuộc sống tốt hơn. Với mức lương bèo bọt của nhà nước trả cho thì nuôi bản thân còn chưa đủ, lấy thì chăm lo gia đình, báo hiếu cha mẹ và quan trọng là xây dựng tổ ấm cho bản thân? Đúng là ”Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng,gian khổ sẽ giành phần ai?” nhưng ở đây có một sự khập khiễng. Công việc của 1 bác sỹ thường nặng nhọc, học ra trường cũng mất thời gian nhiều hơn những ngành khác, khối kiến thức chuyên môn thì đồ sộ. Thế nên họ có quyền đòi hỏi đồng lương phải xứng đáng công sức đã bỏ ra. Họ có quyền tìm nơi trả lương cao, có quyền làm giàu cho bản thân mình và cũng có quyền lấy tiền đó đi làm từ thiện. Chả sao cả.

Thử hỏi cứ là bác sỹ thì phải “nhân đức” theo kiểu hy sinh lợi ích bản thân để ban bố cho kẻ khác? Không thể đòi hỏi một cá nhân chăm lo lợi ích cộng đồng bằng cách truất bỏ lợi ích của chính bản thân mình được.

( Thanh T )


Đừng vội chê trách.

Nếu lương của bác sĩ ở các bệnh viện nhà nước cao hơn thì có lẽ những bác sĩ sẽ không bao giờ đánh mất y đức vì đồng tiền cả. con đường mà bác sĩ trong bài viết chọn ko co gì là xấu cả. Tôi thấy vô cùng đau lòng khi chứng kiến cảnh những bệnh nhân cấp cứu bị đối xử khá tệ mỗi khi được đưa vào các bệnh viện tuyến tỉnh. Nguyên nhân là do lương của bác sĩ quá thấp nên đã khiến họ đánh mất dần y đức của bản thân mình.

Không phải ai cũng như Hoa Đà đâu.

( Trần Hoàng Nguyên )


Chia sẻ với BS Bửu

Những ngày qua cả nước Việt Nam hân hoan với giải thưởng Fields của GS Ngô Bảo Châu – một hình mẫu của thế hệ thanh niên Việt Nam – GS đã cống hiến làm dạng danh nền khoa học nước nhà, nhưng khi nói về vật chất thì GS đã từ chối quà tặng của ông Đào Hồng Tuyển.

Bằng tuổi BS bây giờ, ngày trước nhiều người đã hy sinh, cống hiến để bảo vệ non sông đất nước, nhiều người trong số họ đến bây giờ còn phải chịu nhiều thiệt thòi. Chính vì vậy nên tôi chia sẻ với bạn hãy suy nghĩ “Mình đã làm được gì cho tổ quốc và nhân dân” chứ không nên “Nhà nước và nhân dân đã làm gì cho mình”. Hãy nỗ lực phấn đấu và cống hiến rồi sẽ được hưởng thụ, đừng đòi hỏi hưởng thụ ngay sẽ rất dễ sai lầm – “tiền bạc” không phải là tất cả .

Chúc BS luôn thành công.

( Trần Văn Thanh )


Triet ly cua BAC SI

Nếu đây là vị bác sĩ cuối cùng, và nếu bị bệnh thập tử nhất sinh – Tôi chọn cái thập tử – không chọn vị bác sĩ này.

( Trịnh Ninh Xuân Vinh)

http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/doi-song/2010/08/3ba1fc95/

Written by doclaibaibao

Tháng Bảy 9, 2011 lúc 2:57 sáng

Posted in MEDICINE

Bình luận về bài viết này