ĐỌC LẠI BÀI BÁO

Just another WordPress.com site

Archive for Tháng Chín 2011

XÃ HỘI CHỦ NGHĨA: lý thuyết và hiện thực

leave a comment »

XHCN: lý thuyết và hiện thực
By NTZung, on September 25th, 2010

(Thừa giấy vẽ voi, nhân có người đề nghị tôi góp ý …)

Tình cờ tôi đọc 1 bài báo nhan đề “The devicilizing effect of government“, chợt nhớ ra rằng nước Mỹ đang tiến mạnh, tiến vững chắc lên … CNXH ! Tuy người ta không nói ra, nhưng nước Mỹ cũng đang trong “thời kỳ quá độ”, và có thể sẽ trở thành nước XHCN sớm hơn VN trong cuộc “thi đua” này …

Nhưng trước hết, có lẽ phải định nghĩa lại cho chính xác thế nào là XHCN ?

Chúng ta đã được nghe rất nhiều về sự tiến lên XHCN, về các nước XHCN, v.v., để rồi cuối cùng té ngửa ra là … không phải vậy. VN tự nhận là nước trong “thời kỳ quá độ đi lên XHCN”, tự xưng là “XHCN” trong tên gọi, nhưng nếu không biết đích là đâu thì mãi mãi vẫn sẽ chỉ là “quá độ”, mà khi lên đến XHCN rồi mà không biết mình đang ở trong XHCN thì sao ?! Bởi vậy, định nghĩa cho rõ ràng là rất quan trọng!

Về cơ bản, có 2 loại hình XHCN:

– Loại thứ nhất là XHCN lý tưởng, hay còn gọi là XHCN lý thuyết

– Loại thứ hai là XHCN hiện thực, hay còn gọi là XHCN thực hành

Hai loại đó rất xa nhau, bởi theo người ta thường nói, khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành lớn hơn trong thực hành so với là trong lý thuyết.
CNXH lý tưởng là gì ?

Về mặt lý thuyết, CNXH lý tưởng được đặc trưng bởi các tính chất như: dân chủ, tự do, công bằng, pháp trị, phồn vinh, văn minh, và phúc lợi xã hội.

– Dân chủ. Trước hết là mỗi người làm chủ bản thân mạng sống của mình (không bị ép đi lính hay ép hy sinh vì bất cứ lý do gì, hay bị ép phải sống khi có bệnh đau đớn không thể chữa khỏi). Sau đó là làm chủ tài sản của mình. Rồi làm chủ mọi cấp chính quyền liên quan: Có quyền trực tiếp bầu ra chính quyền ở mọi cấp, có quyền trưng cầu dân ý nhằm thay đổi mọi luật lệ có vẻ bất hợp lý, v.v. Nếu rơi vào thiểu số thì vẫn được đảm bảo bằng luật pháp các quyền lợi, không bị chính quyền và đa số đàn áp.

– Tự do. Tự do nói và làm bất kỳ điều gì, miễn sao không xâm hại đến quyền lợi chính đáng của người khác. Trong đó có tự do ngôn luận, đi lại, mưu sinh, tiêu dùng, hội họp, v.v. Mọi mâu thuẫn quyền lợi có thể giải quyết bằng thỏa hiệp hay bằng pháp luật. Không ai làm nô lệ. Các luật lệ đặt ra không phải là để cấm đoán bừa bãi, mà là để điều phối nhằm giảm thiểu mâu thuẫn quyền lợi giữa các thành viên, tạo ra thuận lợi cho mọi người. Sự điều tiết xã hội của chính quyền không chủ yếu dựa trên cấm đoán cưỡng bức, mà là dựa trên các chính sách kinh tế (thu thuế cao các loại hoạt động gây hại nhiều cho xung quanh, và tài trợ các loại hoạt động có lợi cho xung quanh).

– Công bằng. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật dù là dân hay quan, không phân biệt “giai cấp”. Mỗi người được đánh giá theo tư cách, trình độ và hành động của mình, chứ không phải theo lý lịch, quê quán, màu da, … Ai làm được nhiều hơn tốt hơn thì được hưởng nhiều hơn chứ không “bình quân chủ nghĩa”.

– Pháp trị. Pháp luật đảm bảo các quyền con người, đảm bảo tự do dân chủ công lý cho mọi người. Luật pháp là trên hết, áp dụng với tất cả mọi người, không một cá nhân hay đảng phái nào có thể tự đặt mình lên trên pháp luật. Tư pháp độc lập với lập pháp và hành pháp, có thể xử tội cả các quan chức đứng đầu chính phủ.

– Phồn vinh. Giàu có về vật chất và văn hóa, môi trường thiên nhiên tươi đẹp trong sạch phong phú, v.v.,

– Văn minh. Các thành viên có văn hóa, có ý thức công dân, quí trọng sự sống, tôn trọng sự khác biệt, có tinh thần tự do bình đẳng bác ái. Có sự hài hòa trong xã hội, không mâu thuẫn căng thẳng giữa các tầng lớp khác nhau, ai cũng tìm được chỗ đứng của mình, … Xã hội trong sạch minh bạch, ít tham nhũng tội phạm mafia …

– Phúc lợi xã hội. Toàn bộ các thành viên của xã hội được đảm bảo chăm sóc về y tế, giáo dục, chỗ ở tối thiểu, đồ ăn tối thiếu, bảo hiểm phòng rủi ro, được cứu trợ khi gặp khó khăn đặc biệt, v.v. Không thành viên nào của xã hội bị ruồng bỏ, không người nào phải sống dưới mức nghèo đói. Ai cũng được xã hội tạo cho các cơ hội đi lên.
CNXH hiện thực là gì ?

Trên thế giới có nhiều nước đang hoặc đã từng nhận mình là “XHCN”: Nga và các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Mông Cổ, Bắc Triều Tiên, Cuba, Venezuela, nhiều nước châu Phi, v.v. Tuy “mỗi nước một vẻ”, nhưng có thể nhận thấy một số đặc trưng giống nhau của các mô hình XHCN hiện thực này

– Nhà nước ôm đồm. Nhà nước phình to, cái gì cũng “thò mũi” vào, cũng muốn quản lý, với lý do chỉ có nhà nước biết nhân dân cần gì nhất, biết cái gì là tốt cái gì là xấu cho dân, biết phải làm thế nào, còn nhân dân “ngu dại”. Khu vực kinh tế nhà nước kém hiệu quả nhưng chiếm tỷ lệ lớn trong xã hội.

– Phúc lợi nửa vời: nhà nước đứng ra cung cấp các phúc lợi xã hội cho nhân dân, nhưng do nhiều lý do khác nhau (thiếu thốn, quan liêu, quản lý kém, tham nhũng, v.v.) nên chỉ cung cấp được nửa vời.

– Độc quyền chính trị. Có một đảng phải nào đó ngồi trên pháp luật, chiếm lĩnh quyền lực về chính trị và kinh tế, đàn áp những ai chống đối, tự nhận là lãnh đạo tối cao của dân, nhưng không do dân bầu ra.

– Hạn chế tự do dân chủ. Với lý do là “nhân dân ngu dại, cần nhà nước lãnh đạo”, chính quyền hạn chế các quyền dân chủ tự do của nhân dân: ví dụ như quyền làm chủ bản thân sinh mạng của mình, quyền bầu lãnh đạo, quyền phê phán chế độ, quyền đi lại, hội họp, buôn bán, v.v.

– Bình quân chủ nghĩa. Làm tốt thì không được hưởng hơn gì so với làm tồi.

– Vô trách nhiệm. Phần lớn các trách nhiệm là “trách nhiệm tập thể”, có nghĩa là “không phải trách nhiệm của ai cả”. Hệ quả là ít ai dám “xả thân” chịu trách nhiệm. Mọi người tranh dành quyền lợi nhưng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

v.v.
Tiến lên XHCN ?

Trong lịch sử phát triển của thế giới, có thể kể đến một số mốc lớn trên con đường tiên lên XHCN lý tưởng như: xây dựng thể chế dân chủ (quốc hội và tòa án có những quyền tối cao hơn các tổng thống hay đảng trưởng …), xóa bỏ nô lệ, tự do ngôn luận (như Voltaire từng nói “Tôi không đồng ý với ý kiến của anh, nhưng sẵn sàng lấy thân mình bảo vệ quyền được nói ý kiến đó của anh”), phổ cập giáo dục, chống độc quyền, xóa bỏ quân dịch,v.v. Tuy các nước tư bản không nói ra, nhưng thực chất họ cũng đang trong “thời kỳ quá độ đi lên” XHCN lý tưởng. “Tư bản” và “xã hội” là hai thái cực, nhưng không thù địch nhau, mà trái lại phải kết hợp hài hòa với nhau như đàn ông với đàn bà, trong một xã hội tốt đẹp. XHCN lý tưởng và TBCN lý tưởng có thể coi là một. Ghandi cũng từng nói “bản thân tư bản không xấu xa, lạm dụng tư bản mới xấu xa”.

Ngay ở “thành trì của chũ nghĩa tư bản” như Mỹ, tổng thống Bush từng nói: “Không để trẻ em nào bị bỏ rơi”. Rồi đến lượt tổng thống Obama cải cách chương trình y tế quốc gia để bảo hiểm y tế được cho hầu hết toàn dân Mỹ. Đó là những chính sách hay lời nói xã hội chủ nghĩa. Ở Pháp, cố tổng thống Mitterand cũng từng nói: “Nước Pháp có thể có mọi thứ xã hội chủ nghĩa mà hệ thống tư bản của nó cho phép đạt được”. Và nước Pháp là nước có hệ thống xã hội phúc lợi rất cao, có lẽ còn tốt hơn nhiều so với thời kỳ “hoàng kim” của Liên Xô, mà lại không có các hạn chế về tự do dân chủ như Liên Xô.

Nếu xét các nước đang gần CNXH lý tưởng nhất, có thể lấy Thụy Sĩ làm ví dụ: rất dân chủ (mô hình dân chủ Thụy Sĩ là mô hình phi tập trung, quyền lực trung ương thì ít mà quyền tự trị của từng địa phương thì nhiều, từng làng có quyền của mình, hàng tháng đều có bầu cử trưng cầu dân ý để cải thiện các luật), rất tự do (không ai phàn nàn Thụy Sĩ thiếu tự do), phồn vinh (mức sống trung bình của Thụy Sĩ vào loại cao nhất thế giới), văn minh (sạch đẹp, đúng giờ, đàng hoàng, hòa bình, tuân thủ pháp luật, tôn trọng người khác, v.v.), phúc lợi xã hội (hệ thống trường công tốt, nhiều hoạt động văn hóa xã hội, v.v.).

Nếu có một bảng xếp hạng thế giới nào đó theo “thang điểm XHCN lý tưởng”, thì VN đang ở thứ bậc rất thấp, mọi tiêu chuẩn mới chỉ được điểm “trung bình yếu”. Điểm minh bạch của VN chưa được nổi 3 trên 10. Kể cả về các tiêu chuẩn “phúc lợi xã hội”, thì VN cũng đứng sau đuôi các nước tư bản phát triển. Chẳng hạn, chính phủ VN gánh vác không đến một nửa chi phí giáo dục phổ thông, trong khi chính phủ Pháp gánh vác gần 100% chi phí này. Vào bệnh viện ở VN mà không xì tiền ngay thì “đợi đấy” kể cả khi có bảo hiểm y tế, trong khi ở Pháp bệnh nhân nằm viện miễn phí và được một mình một phòng phục vụ ăn tận nơi ngày 4 bữa.

Nhân dân VN chắc cũng muốn được đi theo “CNXH lý tưởng”, nhưng VN có vẻ đang ở gần “CNXH hiện thực” và chịu sức hút lớn của nó. “CNXH hiện thực” không chỉ hút VN, mà còn hút tất cả các nước khác, kể cả Pháp, Mỹ, v.v. Không chỉ ở VN mới có cấm đoán. Pháp cũng có cấm đoán (chẳng hạn cấm mại dâm, trong khi những nước xung quanh cho phép chuyện đó hợp pháp). Mỹ cũng có cấm đoán. Bài báo The devicilizing effect of government chứa nhiều ví dụ thú vị về Chính phủ Mỹ cấm đoán nhân dân ra sao. Chẳng hạn cấm không được dùng loại bóng đèn cổ điển nữa. (Thay vì cấm đoán, có thể dùng các chính sách kinh tế vừa hiệu quả hơn vừa đảm bảo tự do, nhưng các chính phủ có xu hướng thích cấm đoán hơn). Đà này không khéo Mỹ có ngày sẽ đuổi kịp và vượt VN trên con đường tiến lên CHXN hiện thực ?! 😀
Góp ý …

Nay nói đến chuyện góp ý … (nhưng có ai nghe không mà góp mới chẳng ý ?!). VN muốn tiến lên được CNXH (cái CNXH lý tưởng, tốt đẹp, chứ không phải “CNXH hiện thực phũ phàng”) thì phải làm gì ? Phải làm rất nhiều thứ, như:

– Trước hết phải tự công nhận mình còn rất kém XHCN so với nhiều nước TB trên thế giới. Bỏ đi những hoang tưởng về mình. (Fidel Castro cũng đã thừa nhận mô hình Cuba không đúng nữa, bao giờ đến lượt VN?)

– Bỏ đi những câu giáo điều như kiểu “CNTB là người bọc lột người” không còn hợp thực tế (ở các nước tư bản tiên tiến ngày nay, những người nghèo là những người ngồi nhà ăn trợ cấp xã hội chứ không ai bóc lột được họ!)

– Không còn coi tư bản là kẻ thù, mà phải nhận thấy rằng tư bản và xã hội là hai yếu tố “âm dương” cần được phát triển hài hòa trong xã hội lành mạnh.

– Tiến lên một nền dân chủ pháp trị, đặt Quốc Hội lên trên Đảng (sửa đổi Hiến pháp là việc của Quốc Hội chứ không phải của BTT), đặt Ủy Ban Nhân Dân thành phố lên trên Đảng Ủy (cơ quan nào do dân bầu ra thì phải có quyền to nhất), đảm bảo sự độ lập của hệ thống tư pháp …

– Chống tham nhũng phải được làm ở các cấp cao nhất rồi mới xuống đến dưới (càng lắm chức quyền thì mới càng dễ tham nhũng, chứ chống dân đen tham nhũng thì làm sao đỡ tham nhũng được)

v.v.

Xem ra khó quá! Kiểu này có khi còn “quá độ” rất lâu nữa ?! Thôi thì ta cứ hy vọng. Bao giờ Quốc Hội là độc lập chứ không còn do Đảng lãnh đạo, biết đâu tôi lại ra ứng cử vào đó ?!

Giá mà cứ bê được mô hình Thụy Sĩ vào dùng ở VN thì đơn giản biết mấy. Hồ Chí Minh ngày trước cũng đã từng mượn lời Hiến pháp Mỹ trong tuyên ngôn độc lập. Tiếc là sau đó VN đã không tiếp tục học những điểm hay của hiến pháp này …
Kinh tế Xã hội, Thừa giấy vẽ voi, Tiêu Điểm, Tiếng Việt
« Copula trong xác suất và tài chính (1)
Chuyện ly kỳ về một vị GS TSKH »
20 comments to XHCN: lý thuyết và hiện thực
« Older Comments 1 2

*
admin MonsterID Icon admin
December 29, 2010 at 9:47 pm

Quay về chuyện “góp ý”, nghe nói có bài của bác NĐM đăng báo rất hùng hồn nói về việc có những bọn “lợi dụng chuyện Đảng mời góp ý để mà chống phá với động cơ xấu”. Đảng ta thật trăm tay ngàn mắt, nhìn “xuyên thủng ruột” cái bọn “động cơ xấu”.

Cái này không nằm ngoài cái văn hóa “kẻ nào nói trái ý ta là kẻ đó xấu xa” mà bao nhiều năm nay đã được thấm nhuần. (Kể cả nhiều người tự nhận là “tiến bộ” cũng có cái văn hóa này). May quá, khi có người yêu cầu tôi góp ý, tôi đã từ chối, vì nếu không tâng bốc đúng kiểu mà lại “dại dột” đi “phản biện” thì có nguy cơ bị coi là “phản động”.

Có một cái bệnh gọi là bệnh “điếc chọn lọc” (surdité sélective) rất phổ biến, tức là người ta chỉ nghe thấy cái gì “lọt tai”.
*
admin MonsterID Icon admin
December 29, 2010 at 10:12 pm

Tự nhiên tôi nhớ chuyện hồi quãng 1990, một ông chú của tôi (nhà giáo chất phác ở ngoại thành Hà Nội) có nói “thế là phe ta mất Đông Âu rồi”. Ông có vẻ luyến tiếc Đông Âu thực sự (tuy chưa bao giờ xuất ngoại, cũng chẳng biết người Đông Âu người ta nghĩ gì). Hội phụ nữ VN hình như còn tự nảy ra sáng kiến sang ĐSQ Ba Lan để “ủng hộ hội phụ nữ Ba Lan chống lại bọn tư bản”, bị một phen thối mũi vì ĐSQ Ba Lan trả lời là nước chúng tôi thay đổi chế độ là do nhân dân muốn vậy, chứ chẳng có bọn tư bản nào phá hoại 😀

Ngày nay, “phe ta” vẫn còn TQ (“tuy nó lấn áp ta, nhưng nó cùng phe CS” theo lời đ/c Đỗ Mười) và vài “anh em đồng chí khác” như Bắc Triều Tiên, Cu Ba, Venezuela, Lào, Campuchia ? Ở Cuba thì Fidel đã nhận ra sai lầm, dự đoán là sau khi Fidel chết đi Cu Ba sẽ đẩy nhanh việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, mở cửa và dân chủ hóa. Bắc Triêu Tiên, sắp tới “lãnh tụ trẻ tuổi thiên tài” Kim Con lên thay ngôi
Kim Bố, sẽ là “the start of the end” của chế độ hiện tại. Ở Venezuela, Chavez sẽ làm cho nền kinh tế nước này suy sụp đến mức dân không còn tin vào những giáo điều của đ/c này nữa, và sẽ lại có cách
mạng khác. Lào và Campuchia thì thành thuộc địa mới của TQ rồi. Chỉ còn VN và TQ là hai “anh em môi
hở răng lạnh nắm tay nhau tiến lên CNXH” thôi. (Đấy là ta nói “anh em”, chứ tụi TQ nó nói “bố con” — Đặng Tiểu Bình trước khi đem quân đánh VN năm 79 có nói với tổng thống Mỹ là “con hư cha mẹ phải đánh đòn”).
*
bích phượng MonsterID Icon bích phượng
December 29, 2010 at 10:51 pm

Admin:
Tôi thấy bài “Một cuốn tiểu thuyết Việt Nam bị “luộc” tại Pháp” của Công Chính ở báo Thể thao-Văn hóa rõ ràng đấy chứ. Vừa vào google kiểm tra thì thấy có khoảng ba chục báo mạng và blog đã đăng lại bài này. Nhưng có lẽ chưa đâu biết bà Trần Thị Hảo là ai, nên độc giả chưa để ý chăng?

http://thethaovanhoa.vn/133N20101223100700197T0/mot-cuon-tieu-thuyet-viet-nam-bi-luoc-tai-phap.htm

Theo tôi, admin làm cho bài báo này một topic riêng, lấy lại một số comment của tôi, admin và bimba. Hy vọng các bạn khác sẽ lên tiếng thêm. Làm thế để ủng hộ tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung. Chúng ta có thể giúp chị Dung viết một bức thư gửi cho nhà xuất bản L’Harmatan. Tôi không quen biết gì chị Dung đâu, chỉ thấy ngang trái mà động lòng thôi. Chị ấy đã mất mấy năm mới viết được cuốn sách đó.

Nhân đây tán thêm tí chuyện: theo báo Pháp, đ/c Lãnh đạo thiên tài trẻ tuổi Kim Con từng được Đảng CS Triều Tiên “cử đi du học” ở Thụy Sĩ.
*
hong van MonsterID Icon hong van
December 30, 2010 at 11:55 am

Xã hội phương tây phát triển được trước hết nhờ họ có tinh thần phê phán cao. Chứ cái kiểu cứ thấy ai phê phán điều gì xấu của mình cũng coi là “chống phá”, là “chửi lại đất mẹ”” thì mọt kiếp cũng chẳng phát triển được.(bimba)

Bon toi cung da tung tranh luan ve van de nay tren mot dien dan trong nuoc. Nguoi VN thuong nghi la “yeu nuoc la phai ca ngoi To Quoc etc..”. Trong tranh luan bon toi da ban ve bai viet

LÊ DIỄN ĐỨC – NÓI XẤU DÂN TỘC VẪN ĐƯỢC VINH DANH

http://www.talawas.org/?p=25242

“Ngày 6 tháng 10 Quốc hội Ba Lan đưa ra dự thảo nghị quyết lấy năm 2011 là “Năm Czesław Miłosz”, mang tên một nhà văn Ba Lan, với nhiều tranh cãi.

Sơ lược về Czesław Miłosz

Czesław Miłosz sinh ngày 30 tháng 6 năm 1911 tại Szetejnie, qua đời ngày 14 tháng 8 năm 2004 tại Kraków, Ba Lan – là luật gia, nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà văn, sử gia văn học, dịch giả.

Trong giai đoạn 1951-1989 Czesław Miłosz sống lưu vong tại Pháp cho đến năm 1960, sau đó ở Hoa Kỳ. Ông đã đoạt giải thưởng “Neustadt International Prize for Literature” (1978) và giải Nobel Văn học (1980); là giáo sư văn học Slavic tại Đại học Berkeley và Đại học Harvard; năm 1993 ông trở về nước, là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan và Hội Nhà văn Ba Lan.

Phát biểu của Robert Kołakowski, đại diện đảng đối lập “Luật pháp và Công lý” (PiS) rằng, Czesław Miłosz “thường xuyên có thái độ gay gắt trong các đánh giá về đạo đức của người Ba Lan”, “ông thấy mình như là công dân của thế giới và cũng có vấn đề với nguồn gốc Ba Lan”, đã làm nóng diễn đàn Quốc hội.

Bà Anna Sobecka, cũng thuộc PiS, nhắc nhở Quốc hội về “diện mạo bài xích Ba Lan của Czesław Miłosz” khi trích các câu văn, thơ của ông như: “Đối với Ba Lan không có chỗ nào trên trái đất” (trong cuốn “Năm của Hunter“), “Nếu người ta cho tôi phương pháp, tôi sẽ làm nổ tung đất nước này trong không trung” (trong cuốn Châu Âu gia đình), “Ba Lan là mảnh vườn tối tăm” (trong cuốn Nghĩa vụ cá nhân)… “Nhiều sự sỉ nhục tương tự không thiếu trong các tác phẩm của Milosz”, dân biểu Sobecka nhấn mạnh.

Có dân biểu đưa ra thắc mắc phải chăng Quốc hội Ba Lan không biết còn các nhà văn và nhà thơ nào xứng đáng hơn, sao lại lựa chọn Czesław Miłosz.

Chúng ta biết rằng, ngoài Czesław Miłosz, ba người Ba Lan khác cũng đã đoạt Giải thưởng Nobel Văn học là Heryk Sienkiewicz (1905), Władysław Reymont (1924) và nhà thơ nữ Wisława Szymborska (1996).

Một dân biểu khác nói mặc dù đoạt giải Nobel, sinh thời Czesław Miłosz ghét người Ba Lan, vì không có cách nào khác để hiểu câu nói của ông: “Người Ba Lan phải là một con lợn, bởi vì sinh ra là người Ba Lan”. Hoặc: “Ngôn ngữ của người Ba Lan không có cội nguồn, khó hiểu và người Ba Lan căm ghét lẫn nhau nhiều hơn các quốc gia khác, một thứ tiếng nói trơ tráo.” Và cuối cùng họ đưa ra kết luận: Lẽ nào lại đi tôn vinh một người Ba Lan chế nhạo người Ba Lan, lòng yêu nước và tính anh hùng dân tộc của họ?

Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên của các đảng đối lập chống lại việc Ba Lan chọn năm 2011 mang tên Czesław Miłosz.

Chuyên gia về lịch sử văn học, ông Alexander Chłopek, phản ứng rằng, “Các nhân vật lớn thường gây tranh cãi, và chúng ta phải nhớ điều đó. Mỗi nhà thơ lớn của dân tộc Ba Lan đều có vấn đề về gốc Ba Lan.”

Thế nhưng, bất chấp những mối nghi ngờ và thành kiến, tất cả các đảng đều chính thức tuyên bố sẽ bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kỷ niệm Czesław Miłosz trong năm 2011.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn, nhà thơ Ba Lan vào năm 2011 cũng đã được xếp trong lịch trình của UNESCO.

Năm Czesław Miłosz 2011 được tổ chức không chỉ ở Ba Lan và Lithuania, mà còn ở Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Nga và một số các nước khác.[1]”

Mot ban o Balan cho biet y kien cua mot nguoi Balan binh thuong ” Nhà văn phải viết những cái mình cảm nhận được. Ai thích thì đọc, không thích thì thôi. Nhà văn, nhà báo không thể viết dưới sự chỉ đạo của bất cứ một ai”.
*
bích phượng MonsterID Icon bích phượng
December 30, 2010 at 11:26 pm

@Chị Hồng Vân:

Em không biết là ông Milosz phát biểu những câu kiểu “Người Ba Lan phải là một con lợn, bởi vì sinh ra là người Ba Lan” trong trường hợp nào nhưng nhiều khi nhà văn cũng cần đôi chút cực đoan. Nhà văn mà ăn nói ngọt ngào thì thành nhà chính trị mất.

Em có đọc một ít tác phẩm của Milosz, em thấy ông ấy đúng là có tinh thần quốc tế rất cao, chứ không tự hào dân tộc hẹp hòi như ông Soljenitsyne (Nobel văn chương 1970 gốc Nga). Sau giải Nobel 1980, Ba Lan vinh danh Milosz như “anh hùng dân tộc” nhưng ông ấy luôn nhắc lại quá khứ tha hương của mình(đầu tiên là cư trú chính trị ở Pháp, rồi lại rời Pháp sang Mỹ, nhập quốc tịch Mỹ…). Milosz cũng yêu cầu Ba Lan phải công nhận những đóng góp về mặt văn hóa của cộng đồng Do Thái trong lịch sử Ba Lan, và nhiều lần phản đối khi thấy dân Ba Lan tỏ ra sùng đạo Thiên Chúa một cách thái quá.

Đương nhiên, những người như Milosz thì không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp rồi. Không có chuyện tặng ông ấy danh hiệu “anh hùng dân tộc” mà ông ấy lại vội vã đưa dân tộc Ba Lan lên mây xanh.

Theo em hiểu, trong mọi xã hội, vai trò của những trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng là sử dụng tiếng nói của mình để thức tỉnh được đám đông. Vì lẽ ấy, mà họ bao giờ cũng cố tình đứng tách khỏi giai cấp lãnh đạo.
*
hong van MonsterID Icon hong van
December 31, 2010 at 9:05 am

Bich Phuong tinh that day, ong ban nguoi Balan cua bon minh da giai thich nhu sau

Tôi nghĩ câu ” người Ba Lan… con lợn”, dịch ra tiếng Việt nên đảo thành: “Sinh ra là người Ba Lan thì phải là đồ con lợn”! (Tất nhiên góp ý này phải gửi đến Lê Diễn Đức). Tôi thực ra không biết câu này của Miłosz. Nhưng một người tài ba như vậy, viết ra chẳng được đăng, không khéo lại mất mạng, cuối cùng phải cao chạy xa bay ra nước ngoài, nếu nói câu ấy cũng chẳng có gì là lạ. Chính ông đã từng viết: “Tôi quyết định sống bằng tiếng Ba Lan, dù đối với Ba Lan, tôi chỉ là hạt bụi chẳng có ý nghĩa gì”.

*
hong van MonsterID Icon hong van
December 31, 2010 at 9:06 am

Bich Phuong: ong ban Viet o Balan chu khong phai nguoi Balan
(neu admin sua “nguoi” thanh “o” thi cam on nhieu)
*
bích phượng MonsterID Icon bích phượng
December 31, 2010 at 10:07 am

@Chị Hồng Vân:
Cám ơn chị. Em cũng đoán ông Milosz muốn nói: “Sinh ra là người Ba Lan thì phải là đồ con lợn”. Bởi vì câu mà bác Lê Diễn Đức dịch: “Người Ba Lan phải là một con lợn, bởi vì sinh ra là người Ba Lan” nghe hơi lủng củng và thiếu logic. Chẳng ai sinh ra đã là người xấu ngay cả.
Theo em hiểu, ngay sau Thế chiến II cho đến khi tị nạn ở Pháp (năm 1951), Milosz đều là tham tán văn hóa của đại sứ quán Ba Lan ở Mỹ rồi Pháp. Ông ấy quyết định tị nạn chính trị vì đã nhận thức ra bản chất của chủ nghĩa CS mà chính quyền Ba Lan lúc đấy theo đuổi, chứ không phải vì sách của ông ấy bị cấm ở Ba Lan. Sách thì sau này mới bị cấm.
CS Ba Lan có lẽ cũng không “chuyên chế” bằng CS VN, CS TQ, CS TT. Em đang đọc Herta Muller, thấy ngay cả độc tài Ceaucescu dường như cũng thua các bác nước mình.

http://zung.zetamu.net/2010/09/xhcn/

Written by doclaibaibao

Tháng Chín 19, 2011 at 2:21 sáng